Nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Thụy Điển vào Việt Nam sẽ chỉ có tính chất xúc tác trong thời gian tới khi phía Thụy Điển mong muốn cùng Việt Nam hướng tới mô hình hợp tác song phương.
Đây là ý kiến vừa được bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị kỷ niệm 46 năm hơp tác Thụy Điển và Việt Nam với chủ đề: “Nhìn lại quá khứ-Hướng tới tương lai” tổ chức sáng 4/11 tại Hà Nội.
Nói về những cột mốc trong quan hệ 46 năm giữa hai nước, bà Camilla Mellander nhắc lại một loạt dự án đáng nhớ có sự giúp sức của Thụy Điển như bệnh viện Nhi Thụy Điển tại Hà Nội, bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), nhà máy giấy Bãi Bằng hay các dự án hợp tác phát triển nông thôn miền núi các tỉnh phía Bắc.
Bà Camilla Mellander cũng bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình sau rất nhiều cố gắng trong những năm qua.
Từ đó, bà Đại sứ thẳng thắn nêu ý kiến Thụy Điển cam kết trong thời gian tới vẫn đóng góp thêm cho sự phát triển của Việt Nam nhưng theo hướng khác. “Sự đóng góp vào Việt Nam sẽ thông qua các chương trình mang tính chất toàn cầu, đa phương qua các tổ chức như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới,…”
Điều này, theo bà Camilla Mellander, cũng đồng nghĩa với việc phía Thụy Điển sẽ không tài trợ tất cả cho các dự án ở Việt Nam mà sẽ chia sẻ chi phí như các đối tác.
Đặc biệt, đại diện Thụy Điển cũng cho biết muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác cả trong khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giáo dục,…
[Thụy Điển sẽ hỗ trợ cho khu vực tư nhân]
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu của Thụy Điển những năm qua, trong đó phải kể tới khoản viện trợ hơn 3 tỷ USD.
Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn không quên nhắc tới sự giúp đỡ của Thụy Điển qua từng thời kỳ như giúp Việt Nam xây dựng chính sách, góp phần xóa đói giảm nghèo, đào tạo nhận lực,…
Đồng tình với ý kiến của Đại sứ Camilla Mellander về phương thức hợp tác mới, ông Nguyễn Thế Phương cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp tích cực để góp phần nâng cao mối quan hệ hai nước./.