“Thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện bất thường”

Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) những ngày gần đây liên tục xảy ra hiện tượng động đất đã gây hoang mang, lo lắng cho các nhà quản lý và người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, chắc chắn vấn đề không thể xem thường. Việc xảy ra đổ lỗi cho ai thì cũng đã muộn. Vậy nên dứt khoát, dù chỉ đe dọa một mạng người cũng là trách nhiệm chúng ta phải làm.
Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) những ngày gần đây liên tục xảy ra hiện tượng động đất đã gây hoang mang, lo lắng cho các nhà quản lý và người dân.

Bên lề Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Hiện tượng động đất kích thích liên tiếp xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 những ngày gần đây đang được dư luận quan tâm rất nhiều và các chuyên gia, nhà khoa học cũng đang có những phân tích với nhiều hướng nhận định khác nhau. Nhận định của ông về vấn đề này?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Tôi không ở trong hội đồng nghiệm thu nhà nước về công trình này, một đồng chí Thứ trưởng khác tham gia nhưng tôi cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn vấn đề này. Sông Tranh 2 có những biểu hiện rất khác thường so với các công trình trước đây khi quy mô không lớn mà lại xảy ra động đất kích thích như vậy.

Khác thường thì khoa học phải trả lời. Chưa trả lời được rõ ràng thì còn lo. Điều đó cộng với thực tiễn đáng ngại như vừa qua thì quyết định chưa tích nước ở thủy điện này là hợp lý.

Nhiều ý kiến tranh luận vừa qua nghiêng về hướng cho rằng lỗi nằm ở việc công trình không được thiết kế cửa xả đáy dẫn đến hiện tượng này. Lý giải này đã hợp lý chưa thưa ông?

Với khối lượng nước lớn và cao như vậy thì cá nhân tôi cho là nguyên nhân liên quan đến địa chất nhiều hơn. Khi tích nước, nước theo khe nứt trong lòng hồ thấm xuống làm tăng độ nén các khối địa chất, địa tầng.

- Có chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do nghiên cứu không kỹ, quyết định đầu tư sai thì hướng xử lý trách nhiệm thế nào đối với các cơ quan chức năng, cá nhân có trách nhiệm trong vụ việc khi đã không dự báo được động đất?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Xử lý phải theo nguyên lý trách nhiệm, đầu tiên là chủ đầu tư. Khi đặt nhiệm vụ nghiên cứu, nhà khoa học đã làm hết trách nhiệm theo nhiệm vụ được giao thì không thể xử lý họ. Nếu xác định được việc làm hời hợt, không đúng hợp đồng mới xử được.

Trong nghiên cứu khoa học luôn có rủi ro vì không ai biết được hết những quy luật của tự nhiên. Ngay cả nước Nhật cũng không dự báo hết được động đất, sóng thần, cũng vẫn phải chịu hậu quả khi thiên tai xảy ra. Đặt vấn đề quy trách nhiệm cho nhà khoa học là không đúng.

Truy xét hậu quả thì phải tìm căn nguyên, theo quy định pháp luật. Trường hợp làm thủy điện Sơn La vừa qua, để đảm bảo an toàn, phải chi đầu tư nghiên cứu địa chất, nguy cơ động đất và phương án chống đỡ thân đập rất kỹ. Phải lập cả mô hình để khảo sát.

Nói như vậy không có nghĩa việc đảm bảo an toàn chỉ tập trung cho công trình lớn. Gần đây tôi làm Phó ban soạn thảo Luật Khoa học công nghệ, đã quy định rất rõ các dự án đầu tư đều phải có luận cứ khoa học, phải chi tiền ra làm để hạn chế rủi ro.

Sông Tranh 2 vừa qua chúng ta làm chưa hết, chưa đúng. Việc cứ cảm thấy an toàn là làm khác với việc bỏ tiền ra nghiên cứu để đi đến kết luận mọi việc bình thường, có thể triển khai.

- Khi còn nhiều dấu hỏi chưa giải đáp được như vậy, người dân thực sự thấy bất an, lo lắng, các cơ quan quản lý nhà nước nên có động thái gì để an dân? Việc di dân có cần được tính đến?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Phải nói là giới khoa học đã phản ứng rất tích cực. Nhà đầu tư cũng khẳng định việc chịu trách nhiệm.

Còn như tôi nói, trường hợp thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện bất thường như này, vì vậy mức độ rủi ro sẽ cao hơn nhiều nên công tác nghiên cứu phải rất khẩn trương, tổng thể. Cần có những phương án thật cụ thể để dân kịp thời ứng phó.
 
Nhưng ngay một lúc di dời từng ấy hộ dân không đơn giản. Phải có phương án, kể cả tập huấn nếu tình huống xấu xảy ra. Mà sự cố xảy ra là thiệt hại lớn.

- Người dân sẽ phải chờ đợi bao lâu để có câu trả lời cho vấn đề này. Liệu sự chờ đợi, phấp phỏng vô thời hạn có là quá sức chịu đựng?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Không thể ngay lập tức có được câu trả lời căn cơ vì đây là vấn đề phức tạp, nhất là về cấu trúc địa chất, địa tầng, kiến tạo của khu vực này. Hiện tượng thủy điện tích nước làm xảy ra động đất kích thích cũng thường diễn ra nhưng với tần suất là cường độ như ở Sông Tranh 2 là lạ. Liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa động đất kích thích với chuyển dịch địa chất trong khu vực ấy không thì phải nghiên cứu.

Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã cử cán bộ tham gia với Bộ Công thương, Viện Vật lý địa cầu để tìm hướng giải quyết. Tôi cũng rất quan tâm việc này vì xin nhắc lại là các biểu hiện ở Sông Tranh 2 rất bất thường.

Các biện pháp đang làm đều thể hiện trách nhiệm đúng mức nhưng không thể căn cơ ngay tức thì. Các cơ quan cũng đang hỗ trợ phương tiện quan trắc, có động thái, biện pháp đảm bảo an tàn.

Chắc chắn vấn đề không thể xem thường. Việc xảy ra đổ lỗi cho ai thì cũng đã muộn. Vậy nên dứt khoát, dù chỉ đe dọa một mạng người cũng là trách nhiệm chúng ta phải làm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục