Tiền Giang: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng gần 13%

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 4,6 tỷ USD, vượt 18,3% chỉ tiêu cả năm, tăng gần 13% so với năm trước và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Dây chuyền chuyển gạo thành phẩm tại Nhà máy xay xát Tân Long, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Dây chuyền chuyển gạo thành phẩm tại Nhà máy xay xát Tân Long, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, năm nay, địa phương nỗ lực chủ động tháo gỡ khó khăn, có giải pháp tích cực và đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ và bền vững.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 4,6 tỷ USD, vượt 18,3% chỉ tiêu cả năm, tăng hơn 12,9% so với năm trước và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Nếu so với mục tiêu theo Nghị quyết 25/NQ-HDND ngày 17/9/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra là kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD, Tiền Giang đã vượt trước 2 năm so kế hoạch đề ra.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay, tăng mạnh nhất là các mặt hàng kim loại và sản phẩm từ kim loại, chiếm tỷ trọng đến 28% tổng kim ngạch và tăng khoảng 12% so năm trước; giày và phụ liệu giày chiếm tỷ trọng 18,3% tổng kim ngạch và tăng 3,8% so năm trước…

Đáng chú ý, trong năm, xuất khẩu chính ngạch nông, thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 604 triệu USD và tăng gần 45% so với năm ngoái; trong đó, riêng về xuất khẩu gạo được 160.000 tấn, đạt kim ngạch gần 95 triệu USD, tăng 37,6% về lượng và 65,5% về trị giá so với năm trước.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đánh giá, kết quả trên nhờ địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, nhất là với những ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh.

Ngay từ đầu năm nay, Tiền Giang chú trọng đổi mới xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp mời gọi đầu tư kết hợp với vận dụng tốt cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu, đào tạo cung ứng lao động; xúc tiến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm…

Cùng với việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tỉnh còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Đáng chú ý là triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các Hiệp định Thương mại Tự do đã ký kết nhằm trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt kịp thời thông tin, khai thác và tận dụng ưu đãi mà Hiệp định mang lại để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp.

ttxvnl-doanh-nghiep-fdi-danh-gia-cao-moi-truong-dau-tu-cua-tien-giang-9065.jpg
Công nhân nhà máy Want Want Việt Nam làm việc trong dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: Lâm Nguyên/TTXVN)

Năm nay, Sở Công Thương Tiền Giang đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về các kỹ năng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, kinh doanh thương mại điện tử, hội nhập kinh doanh quốc tế... thu hút khoảng 500 doanh nhân các ngành hàng xuất khẩu tham gia.

Đối với xuất khẩu nông sản hàng hóa chủ lực có thế mạnh, tỉnh quan tâm nắm bắt tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… và cập nhật kịp thời những diễn biến nóng để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã; phối hợp chặt chẽ cùng ngành chức năng trong xúc tiến thủ tục cần thiết như lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng… nhằm tăng cường xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác.

Tiền Giang tiếp tục tận dụng thời cơ và cơ hội thị trường triển khai nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Công Thương Tiền Giang làm đầu mối kịp thời cung cấp thông tin cập nhật liên quan thị trường xuất khẩu cũng như các hội chợ, triển lãm trong ngoài nước đến doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu nhằm kết nối cung-cầu xuất khẩu, xúc tiến thương mại hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở quan tâm tổ chức cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; tổ chức đoàn khảo sát thị trường mới, giao dịch thương mại song song với tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm nay, Tiền Giang thu hút thêm 22 dự án, tổng vốn thu hút được 20.000 tỷ đồng, tăng 5 dự án và tăng vốn đầu tư gần 96% so với năm ngoái cũng góp phần giúp đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững và mạnh mẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục