Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm áp lực lên hệ thống

Theo Bộ Công Thương, công tác tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cung ứng điện không chỉ trong trước mắt các tháng cao điểm mùa khô mà trong cả các năm tiếp theo.

Nhân viên EVN kiểm tra các thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên EVN kiểm tra các thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù mới bước vào cao điểm mùa khô, song tiêu thụ điện tại các địa phương lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục lập ngưỡng cao lịch sử. Vì vậy, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đối với các hộ gia đình, cùng sự chung tay của các doanh nghiệp sẽ là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện Quốc gia, giúp việc cung ứng điện được thông suốt.

Tiêu thụ điện liên tục tăng nóng

Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), phụ tải điện liên tục duy trì ở mức cao trong giai đoạn nắng nóng vừa qua (từ 15/4 đến 23/4), trong đó sản lượng trung bình ngày đạt 881,2 triệu kWh, cao hơn so với phương thức tháng 4 khoảng 15,5 triệu kWh. Đáng lưu ý, phụ tải điện ngày 23/4/2024 đã đạt kỷ lục từ trước tới nay, lên tới 942 triệu kWh/ngày.

Trong khi đó, kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua, tiêu thụ điện trên cả nước cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện Quốc gia ở mức khoảng 40.459 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860.5 triệu kWh/ngày.

Như vậy, nếu so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023 thì sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ 30/4-1/5 năm nay tăng tới 37,2%, đồng thời công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30.6%. Thậm chí ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (27/4/2024) còn ghi nhận công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới với con số 47.670 MW do diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở cả 3 miền.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết theo dự báo, năm 2024, trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn về cung cấp điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (cao điểm hè từ tháng 5 đến tháng 7/2024), dự báo tăng 13%, cao hơn so với kế hoạch khoảng 9,6%, còn tại miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với năm 2023.

anhminhhoaTCBCthang12024.jpg
Sửa chữa các thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, Hà Nội cũng chuẩn bị phương án cân bằng điều hòa phụ tải (sản xuất-kinh doanh-hoạt động xã hội-đời sống dân sinh), huy động nguồn tự có để hỗ trợ cấp điện, xây dựng các phương thức vận hành lưới… để triển khai trong trường hợp bất khả kháng hệ thống điện Quốc gia gặp khó khăn.

Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện

Trước nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong dịp nắng nóng, theo các chuyên gia, việc tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Về phía ngành điện, song song với việc đầu tư các nguồn điện mới, nâng hiệu suất các nhà máy điện thì EVN cũng triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện, như tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện hiệu quả trong mùa nắng nóng, hay với các doanh nghiệp, tham gia vào các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR)…

Theo thống kê, đến hết tháng 4/2024, các Công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã làm việc và ký kết với gần 7.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để ký kết thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại, với công suất thỏa thuận loại 1 (thông báo trước 2 giờ) là 330,8 MW; công suất thỏa thuận loại 2 (thông báo trước 24 giờ) là 818,9 MW.

Còn đối với công tác dịch chuyển phụ tải, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã hoàn tất nhập danh sách 6.281 khách hàng công nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên vào chương trình DRMS (hệ thống giám sát và điều hòa phụ tải từ xa), đạt tỷ lệ 100%.

Ngoài ra, căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh và biểu đồ phụ tải sử dụng điện của khách hàng đã đăng ký năm 2024, các công ty điện lực tiếp tục trao đổi, nắm bắt, bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng của khách hàng công nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên để dự báo tiêu thụ điện, đề xuất khách hàng dịch chuyển công suất từ 5% đến 10% công suất đỉnh của khách hàng trong khung giờ từ 14 giờ-16 giờ hằng ngày vào các khung giờ khác và tránh các khung giờ 9 giờ 30 -11 giờ 30, 17 giờ - 22 giờ hằng ngày trong các tháng 4, 5, 6, 7 năm 2024.

Còn theo đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), nhiều khách hàng đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải (DR), dịch chuyển biểu đồ phụ tải... để giảm áp lực cung cấp điện trong mùa nắng nóng, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện Quốc gia. Thống kê đến ngày 23/4 đã có gần 3.500 khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải với công suất dự kiến tiết giảm gần 230.000 kWh.

Là một trong những trung tâm thương mại lớn, hiện nay Trung tâm Thương mại Savico Megamall Long Biên có mức tiêu thụ khoảng gần 7 triệu kWh mỗi năm. Để cụ thể hóa việc tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, Trung tâm Thương mại và các đơn vị liên quan đã thực hiện các giải pháp để giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng sử dụng điện trong giờ thấp điểm.

Ông Lê Công Hội, Giám đốc kỹ thuật Trung tâm chia sẻ, doanh nghiệp đã ký kết với Công ty Điện lực Long Biên (EVNHANOI) việc thực hiện Chương trình DR và sẽ thực hiện cắt giảm từ 5%-7% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm theo yêu cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống giám sát và quản lý năng lượng hiện đại, cho phép giám sát và kiểm soát các thông số tiêu thụ năng lượng từ mỗi bộ phận, thiết bị điện. Do đó, với bất kỳ bất thường trong việc tiêu thụ điện đều phát hiện và kịp thời có giải pháp điều chỉnh.

2f2d0bd86c33c26d9b225.jpeg
EVNHANOI tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tới khách hàng. (Ảnh: evnhanoi)

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết công tác tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cung ứng điện không chỉ trong trước mắt các tháng cao điểm mùa khô mà trong cả các năm tiếp theo. Đây là một giải pháp mang tính dài hạn, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

“Việc tiết kiệm điện không chỉ làm giảm áp lực cho ngành điện trong việc đảm bảo cung ứng điện mà còn làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất điện, qua đó, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững hơn,” ông Hữu nói.

Còn đối với điện sinh hoạt, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho điều hòa không khí thường có mức tiêu thụ điện từ 50-70% tổng nhu cầu điện năng sử dụng trong hộ gia đình.

Để sử dụng điều hòa không khí đúng cách, hiệu quả và tiết kiệm, đại diện EVN cũng lưu ý khách hàng lựa chọn công suất máy điều hòa phù hợp với diện tích phòng; lắp đặt cục nóng ở nơi thoáng mát, có bóng râm/mái che nắng để tăng hiệu suất làm việc cho máy điều hòa. Sử dụng thêm quạt đảo hướng để làm tăng khuyến tán không khí mát trong phòng nhanh hơn, giúp điều hòa tiết kiệm điện hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục