Nắng nóng sớm tăng áp lực trong việc cung ứng điện cao điểm mùa khô

Dự báo nhu cầu công suất điện tại miền Bắc trong cao điểm mùa khô (tháng 4-7) có thể đạt đến 27.481MW, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023, là thách thức không nhỏ đối với ngành Điện

Bảo dưỡng các thiết bị điện. (Ảnh: Evn)
Bảo dưỡng các thiết bị điện. (Ảnh: Evn)

Năm 2024, dự báo nhu cầu sử dụng điện mùa nắng tăng cao so với kế hoạch, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Cùng với những giải pháp mang tính chủ động, tích cực đã được EVN và các đơn vị chuẩn bị thì sự chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tiêu thụ điện liên tục tăng

Chia sẻ tại tọa đàm về “chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện mùa khô 2024” mới đây, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện Quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%, cao hơn so với dự báo theo kế hoạch vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2024 của Bộ Công Thương là khoảng 9,6%.

Trong khi đó, dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng sẽ đến sớm trong năm 2024. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc cung ứng điện cho hệ thống, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao so với kế hoạch.

Báo cáo mới nhất của A0 cho thấy, dự báo nhu cầu công suất điện tại miền Bắc trong cao điểm mùa khô (tháng 4-7) có thể đạt đến 27.481MW, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện miền Bắc giai đoạn này chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 52,3 tỷ kWh.

“Có thể hình dung, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc bao gồm điện sinh hoạt và công nghiệp khoảng 25.000MW; nếu tăng trưởng 10%/năm thì sẽ cần thêm 2.500MW. Như vậy, mỗi năm cần có thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới có thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc. Đây thách thức không nhỏ đối với ngành Điện,” ông Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chia sẻ, nhằm chuẩn bị kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện Quốc gia năm 2024, EVN đã có các chỉ đạo rất cụ thể tới tất cả các đơn vị trực thuộc, tập trung chính vào 3 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện, bao gồm cả nhà máy điện, đường dây truyền tải phân phối điện.

Cùng với đó, tập trung đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt các hệ thống lưới điện để giải tỏa công suất, tăng cường khả năng đấu nối các khu vực; các trung tâm năng lượng, cũng như tăng cường nhập khẩu các nước xung quanh, đồng thời chú trọng triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết việc cân đối cung ứng điện ở các tháng cao điểm mùa khô năm nay dự báo sẽ gặp nhiều thách thức do nhu cầu tăng cao, lưu lượng nước có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm. Do đó, ngay từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện.

5dd3640a90c23c9c65d38.jpg
Nhân viên EVN kiểm tra an toàn lưới điện truyền tải. (Ảnh: EVN)

Đánh giá về sự chuẩn bị của EVN, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nhận định, EVN và các đơn vị điện lực thành viên đã tích cực chủ động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô và cho cả năm 2024 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Các đơn vị phát điện truyền tải, phân phối điện cũng đã tích cực rà soát các thiết bị máy móc, chủ động khắc phục các khiếm khuyết… để hạn chế thấp nhất các sự cố.

Đặc biệt, các Tổng công ty, Công ty điện lực đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, triển khai các chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025.

“Để chủ động đối phó với những thách thức trong việc đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng, ngoài nỗ lực của ngành Điện, rất mong sự chung tay của khách hàng sử dụng điện trong việc tham gia các chương trình tiết kiệm điện; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện; chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực cung ứng điện trong giờ cao điểm đó,” ông Nguyễn Thế Hữu nói.

Lên kịch bản cho các nguồn điện chạy dầu, khí

Nhằm đảm bảo cung ứng điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Quốc Trung thông tin, đối với thủy điện ngành đã có chiến lược tích nước trong các hồ, dành nước trong các hồ thủy điện để sử dụng vào những lúc cần thiết. Đó là lúc nắng nóng nhất, tháng 5, 6, 7.

Cụ thể, tính đến ngày 8/4, đã trữ nước trong các hồ thuỷ điện khoảng 11 tỷ kWh điện, cao hơn 4 tỷ kWh so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, hồ Lai Châu giữ cao hơn 20m so với năm ngoái, Sơn La cao hơn 10m, Hoà Bình cao hơn 4m.

Đối với các nhiên liệu khác, A0 đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trong đó có Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành đó là nguồn khí hóa lỏng LNG.

“Hiện EVN đang thương thảo và ký hợp đồng với bên cung cấp khí, để có khả năng chạy nguồn khí LNG ở nhà máy Đông Nam Bộ vào ngày 15/4. Lần đầu tiên chúng ta chạy LNG để phát điện trong năm 2024. Là một trong những giải pháp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tôi đánh giá đây là giải pháp hữu hiệu, chúng ta có thêm nguồn điện bổ sung cho đất nước,” ông Nguyễn Quốc Trung nói.

img_0694.jpg
Sử dụng hợp lý nguồn nước nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả phát điện các tháng mùa khô. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, EVN cũng như các đơn vị ngoài ngành với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy.

Ngoài ra, A0 cũng phối hợp với VNPT, ban A chuyển tải tối đa lượng điện từ miền Trung ra miền Bắc, tận dụng tối đa 2 mạch của đường dây 500 kV để truyền tải công suất và sản lượng ra miền Bắc, đáp ứng cho phụ tải miền Bắc.

Theo các chuyên gia ngành điện, việc sử dụng điều hòa không khí thường có mức tiêu thụ điện từ 50-70% tổng nhu cầu điện năng sử dụng trong hộ gia đình, do vậy càng dùng nhiều điều hòa không khí thì tiêu tốn nhiều điện năng và hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao.

Vì thế, việc sử dụng điều hòa không khí đúng cách sẽ giúp các khách hàng tiết kiệm được rất nhiều tiền và tăng thêm tuổi thọ cho thiết bị. Cụ thể, lắp đặt cục nóng ở nơi thoáng mát, có bóng râm/mái che nắng để tăng hiệu suất làm việc cho máy điều hòa không khí; Vệ sinh định kỳ giúp hiệu suất điều hòa tốt hơn (tiết kiệm từ 10-15%). Đặt nhiệt độ điều hòa từ 26 độ C ban ngày và từ 27 độ C vào ban đêm (tăng thêm 1 độ C sẽ tiết kiệm được 3% điện năng tiêu thụ)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục