Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan và là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Olli Rehn ngày 10/2 nhận định rằng tốt hơn là nên điều chỉnh chính sách tiền tệ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách từ từ, nhất là trong môi trường đầy bất ổn hiện nay.
Tuần trước, ECB đã tái khẳng định cam kết không tăng lãi suất vào năm 2022 và các nhà hoạch định chính sách ngân hàng này hiện đang xem xét cách bắt đầu rút dần các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, vốn giúp cho nền kinh tế Eurozone vượt qua nhiều “sóng gió” trong những năm qua.
Phát biểu tại một sự kiện đánh dấu hai thập kỷ hình thành đồng tiền chung euro tại Helsinki (Phần Lan), ông Rehn nói: “Trong một kịch bản không chắc chắn, cần tính đến tình hình căng thẳng địa chính trị và những tác động tiềm tàng của nó đối với giá năng lượng và triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, tốt hơn là nên xem xét một cách thận trọng, thay vì phải nói từ đáng tiếc, cần thay đổi dần và từng bước trong việc bình thường hóa tiền tệ chính sách tiền tệ.”
Ông Rehn nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng euro trong việc củng cố sự thống nhất trong Liên minh châu Âu (EU) giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị khiến giá năng lượng leo thang và lạm phát tăng nhanh.
Theo ông Rehn, hội đồng điều hành ECB đã ước tính có nguy cơ lạm phát sẽ tăng nhanh hơn dự kiến.
Tuy nhiên, ECB cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ của mình để đảm bảo rằng lạm phát sẽ ổn định ở mức mục tiêu 2% trong trung hạn.
Ông Rehn lưu ý rằng, giá năng lượng nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của chính sách tiền tệ.
[ECB giữ nguyên chính sách tiền tệ bất chấp lạm phát cao kỷ lục]
Ông dự báo giá năng lượng sẽ vẫn ở mức cao vì một số lý do, bao gồm nguồn dự trữ thấp và nhu cầu bổ sung sau khi lượng tiêu thụ tăng cao do mùa lạnh ở châu Âu.
Hội đồng điều hành ECB đang theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát tiền lương ở châu Âu nhằm xác định thời điểm thích hợp cho việc tăng lãi suất.
Khi so sánh các quyết định chính sách của ECB với các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông cho biết điều đáng chú ý là trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, lạm phát tiền lương tại Mỹ đã tăng từ 5% lên 10%, trong khi tỷ lệ trung bình ở châu Âu chỉ khoảng 2,5%.
Ông Rehn nhấn mạnh, cần ghi nhớ bài học của năm 2008 và 2011, khi việc thực hiện các đợt tăng lãi suất quá sớm đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho biết, ngân hàng này sẽ bình tĩnh đánh giá các số liệu mới trước khi thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn.
Bà Lagarde khẳng định: "Không cần vội vàng đi đến bất kỳ một kết luận quá sớm nào tại thời điểm này” trong bối cảnh ECB đang chịu áp lực từ tình trạng lạm phát tăng mạnh tại Eurozone.
Lạm phát tại Eurozone đã bất ngờ tăng lên mức 5,1% trong tháng Một vừa qua, mức cao nhất kể từ khi số liệu của khối bắt đầu được thu thập vào năm 1997. Trước đó, tỷ lệ này của tháng 12 là 5%./.