Tiếng Việt giúp phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng kiều bào

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ giới hạn trong vấn đề chuyên môn, mà còn có ý nghĩa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào.
Tiếng Việt giúp phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng kiều bào ảnh 1Các học viên của khóa tập huấn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Kết quả của khóa tập huấn không chỉ giới hạn trong vấn đề chuyên môn, mà quan trọng hơn đây là thành quả quan trọng, rất có ý nghĩa trong nỗ lực phối hợp chung của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan trong nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cùng nhau đẩy mạnh việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, góp phần tạo nên sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định như vậy tại lễ Tổng kết Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2-năm 2014 (từ 23/6-8/7) diễn ra sáng nay (09/7), tại Hà Nội.

Với thời gian tập huấn không dài nhưng ban tổ chức đã cung cấp những nội dung chuyên môn cơ bản, giúp các học viên nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy một cách hiệu quả nhất như: khái quát một số đặc điểm dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; củng cố kiến thức cơ bản về tiếng Việt; nguyên tắc và cách thức giảng dạy tiếng Việt theo phương pháp giao tiếp, cách soạn giáo án.

Ngoài ra, các học viên cũng đã được giới thiệu về hai bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt mới nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là “Tiếng Việt vui” “Quê Việt” nhằm giúp cho các thầy cô khi trở về địa phương có thể chủ động chọn ra những nội dung giảng dạy phù hợp với từng đối tượng.

Khóa tập huấn cũng đã tạo điều kiện cho anh chị em đồng nghiệp về từ nhiều địa bàn gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thiết thực, bổ ích về tình hình, kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt.

Bên cạnh những giờ học trên lớp, các học viên cũng đi thực địa và dự giờ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ngày 08/7) và đi tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng tại Hà Nội, Vịnh Hạ Long, thu thập nhiều kiến thức cho các bài giảng về tiếng Việt thêm sinh động và phong phú.

“Tôi tin tưởng rằng, các anh chị em học viên về từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ lần này khi trở về nơi cư trú sẽ là nhân tố nòng cốt chuyển tải không chỉ những nội dung, kiến thức mới thu thập được của khóa tập huấn mà sẽ góp phần tích cực thúc đẩy hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt cũng như phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần quan trọng đẩy mạnh hơn nữa phong trào hướng về quê hương, đất nước trong cộng đồng, nhất là đối với thế hệ trẻ kiều bào; đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước,” ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục