Tiếp nối ước nguyện dệt tấm sử Nam của học giả Trần Trọng Kim

Ấn bản đặc biệt kỷ niệm 100 năm ra đời "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim có nội dung được tham khảo từ nhiều bản in trước đó và hình thức mỹ thuật đẹp mắt.
Các diễn giả tham gia thảo luận về giá trị sử liệu của cuốn sách. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các diễn giả tham gia thảo luận về giá trị sử liệu của cuốn sách. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong một ấn bản “Việt Nam sử lược,” học giả Trần Trọng Kim bày tỏ trăn trở: “Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt tấm Nam sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công việc, nhưng còn mong có ngày khỏe mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn cũng chưa biết chừng.”

Quả thực, trong suốt 100 năm qua, kể từ khi cuốn sách “Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim được xuất bản lần đầu tiên, đã có rất nhiều học giả, độc giả tiếp cận cuốn sách để am hiểu thêm về kho sử liệu khổng lồ của nước Việt Nam kể từ đời Hồng Bàng.

Ngày 10/12, buổi tọa đàm và ra mắt ấn bản “Việt Nam sử lược” đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuốn sách được xuất bản lần đầu đã diễn ra tại Hà Nội.

Cuốn sách ra mắt độc giả năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là nguồn sử liệu chính thống.

Tiếp nối ước nguyện dệt tấm sử Nam của học giả Trần Trọng Kim ảnh 1Cuốn sách được trình bày đẹp mắt cùng hình ảnh minh họa và bản đồ Việt Nam thời xưa. (Ảnh: Đông A)

Sách sử Việt Nam khi đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng bởi sách chủ yếu được viết bằng chữ Hán, lưu hành trong giới trí thức, hoàn toàn theo quan điểm phong kiến, trung với vua, lấy nhà vua và các sự kiện của các vương triều làm trung tâm.

Một số tác phẩm viết bằng quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài… Vì vậy, với phương pháp ghi chép mới mẻ, có hệ thống, cách kể lôi cuốn, và tư duy sử học tiến bộ so với đương thời, từ khi được xuất bản lần đầu cho đến tận ngày nay, “Việt Nam sử lược” thường được coi như cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai bắt đầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Với mong muốn góp phần hoàn thiện và phổ biến “tấm Nam sử” mà học giả Trần Trọng Kim đã dệt những sợi đầu tiên cách nay một thế kỷ, ấn bản đặc biệt kỷ niệm 100 năm xuất bản được ra mắt với nội dung được biên tập vô cùng công phu.

Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân cho biết nhóm biên tập đã đối chiếu nhiều bản in của cuốn sách, bao gồm bản in năm 1954 của Nhà xuất bản Tân Việt, là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối, sau đó bổ sung thêm một số chi tiết trong nội dung của các bản in năm 1920, 1928, 1971.

Tiếp nối ước nguyện dệt tấm sử Nam của học giả Trần Trọng Kim ảnh 2Với mong muốn góp phần hoàn thiện và phổ biến “tấm Nam sử” mà học giả Trần Trọng Kim đã dệt những sợi đầu tiên cách nay một thế kỷ, ấn bản đặc biệt đã ra mắt với nội dung được biên tập vô cùng công phu.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hình ảnh minh họa dựa theo bản in năm 1928 của Imprimerie Vĩnh & Thành Hà Nội. Bổ sung thêm gần 60 minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa... Ngoài ra, cuốn sách còn in kèm bản đồ được sao chụp trực tiếp từ ấn bản 1954, bổ sung thêm 2 bản đồ từ ấn bản 1928.

“Cuốn sách này đã có tuổi đời 100 năm. Do đó, khi bắt tay công việc biên tập, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, cụ thể là phải tìm lại và thẩm định xem bản nào là bản tốt nhất, sau đó tham khảo đối chiếu và bổ sung,” biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân cho biết.

Các ấn bản có những điểm khác biệt rất thú vị. Chẳng hạn, bản in năm 1954 có chương “Đức độ vua Quang Trung.” Lúc đó, nước ta đã thay đổi hệ thống chính trị nên dường như học giả Trần Trọng Kim được thỏa chí thể hiện quan điểm của mình. Bởi dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn thì vua Quang Trung được xem là kẻ thù của nhà Nguyễn. Chắc chắn không có một học giả nào dám tỏ ra ngưỡng mộ vua Quang Trung.

Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân còn tiết lộ rằng bản in năm 1928 có chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ mà các bản sau này lại không có.

“Đây là chi tiết đắt giá trong lịch sử nước nhà nên chúng tôi có bổ sung vào bản in lần này. Độc giả có thể tự cảm nhận cách mà học giả Trần Trọng Kim dịch chiếu dời đô cũng khá là khác biệt so với bản chiếu dời đô phổ biến hiện nay,” anh Nhân nói thêm./.

Trần Trọng Kim (1883-1953) là nhà giáo dục, nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam, hiệu Lệ Thần, người xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Trần Trọng Kim thuộc thế hệ trí thức Việt Nam giao thời, vừa uyên thâm Nho học, vừa am tường Tây học. Mười bảy tuổi, ông thi đỗ vào trường Thông ngôn. Năm 1906, ông tham dự hội chợ Marseille rồi xin ở lại Pháp học thêm. Năm 1911, ông về nước và tận tụy với công việc dạy học. Sau khi nghỉ hưu, tháng 3 năm 1945, ông tham gia chính trường, rồi giữ chức Thủ tướng của Đế quốc Việt Nam cho đến khi chính phủ này sụp đổ vào tháng 8 cùng năm. Ông trải qua những năm tháng cuối đời trong cảnh khó nhọc. Ngày 2 tháng 12 năm 1953, ông đột ngột qua đời tại Đà Lạt.

Trong sự nghiệp nghiên cứu và biên khảo, Trần Trọng Kim để lại nhiều tác phẩm giá trị, như “Sơ học luân lý,” “Sư phạm khoa yếu lược,” “Việt Nam văn phạm,” bộ “Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Sử ký - địa dư giáo khoa thư,” nhưng nổi tiếng nhất là hai bộ “Nho giáo”“Việt Nam sử lược.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục