Ra mắt sách “Lịch sử Phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975”

Cuốn sách "Lịch sử Phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975" phản ánh bức tranh toàn cảnh về hoạt động đấu tranh của sinh viên, học sinh và nhân dân Huế thời chống Mỹ trong lòng đô thị Huế.
Ra mắt sách “Lịch sử Phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975” ảnh 1(Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ)

Ngày 18/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ ra mắt cuốn sách "Lịch sử Phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975," phản ánh bức tranh toàn cảnh về hoạt động đấu tranh của sinh viên, học sinh và nhân dân Huế thời chống Mỹ trong lòng đô thị Huế.

Sách do Thành ủy Huế chủ trương biên soạn, dày gần 500 trang, gồm 5 chương.

Chương I khái quát giai đoạn 1954-1963 với các chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Thừa Thiên và Huế.

Chương II giai đoạn 1964-1968 gồm diễn biến các Phong trào chống Nguyễn Khánh; Phong trào chống Trần Văn Hương; Phong trào chống Mỹ-Thiệu-Kỳ.

Chương III giai đoạn 1969-1972 gồm phong trào đô thị Huế với những phong trào đạt đến đỉnh điểm và những tổn thất nặng nề.

Chương IV Thành ủy Huế giai đoạn 1973-1975 khái quát tình hình đô thị Huế sau Hiệp định Paris và các hoạt động đấu tranh.

Chương V nhìn lại phong trào đô thị Huế 1954-1975.

Sách Lịch sử Phong trào đô thị Huế 1954-1975 nói về phong trào đô thị Huế nhưng đồng thời cũng thể hiện phong trào đô thị của cả nước. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm sự tranh đấu của học sinh, sinh viên, phật giáo là chỉ đơn thuần xuất phát từ lòng yêu nước mà không từ bất kỳ động cơ nào.

Đặc biệt, đây là cuốn sách được chính những người tham gia phong trào, nhân chứng lịch sử kể lại với các chi tiết, sự kiện được ban biên soạn kể lại tỉ mỉ, khách quan.

Chia sẻ tại buổi giới thiệu sách, đại diện cho Ban biên soạn, ông Trần Hoài mong muốn thông qua quyển sách, sẽ chuyển tải một phần hình ảnh đấu tranh giải phóng dân tộc của các tầng lớp nhân dân, trong đó có phong trào đô thị Huế với 4 giai đoạn chính từ những năm 1954-1975.

Qua đó, những thế hệ từng sống trong thời kỳ đấu tranh gian khổ của đất nước lại hồi tưởng về những cuộc chiến đấu vì lý tưởng, khát vọng hòa bình và tự do cho dân tộc; đồng thời thế hệ trẻ ngày hôm nay cũng có dịp hiểu biết thêm về những giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc.

Dù là thế hệ đi trước hay thế hệ sau, tùy vào giai đoạn lịch sử và phát triển của đất nước nhưng tất cả đều có chung một nguyện ước, khát khao hòa bình và vun đúc cho đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phồn vinh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục