Khám phá Cửu đỉnh Hoàng cung Huế -Di sản Tư liệu Thế giới

Chín chiếc đỉnh đồng (Cửu Đỉnh) đặt trước sân Thế Miếu, trong Hoàng thành Huế từ lâu đã trở thành đối tượng quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Vẻ đẹp trường tồn của bộ Cửu đỉnh. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Vẻ đẹp trường tồn của bộ Cửu đỉnh. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ, hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế đã được ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới.

Trong phiên họp ngày 8/5/2024, Hội nghị tập trung xem xét 20 hồ sơ có giá trị về nhiều mặt và đạt các tiêu chí về ý nghĩa trong khu vực, tính độc bản và tính quý hiếm.

Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ “Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế” đã được ghi danh với số phiếu 23/23 nước tham gia.

0805Cuudinh1.jpg
UNESCO trao chứng nhận vinh danh Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mệnh ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay.

Chín chiếc đỉnh đồng (Cửu Đỉnh) đặt trước sân Thế Miếu, trong Hoàng thành Huế từ lâu đã trở thành đối tượng quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bảo vật Quốc gia

Vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc Cửu Đỉnh từ tháng 12/1835, hơn một năm sau thì đúc xong và tiếp tục hoàn thiện.

Trước khi đúc, triều đình tổ chức lễ cáo, đúc xong đưa tới đặt trước sân Thế Tổ Miếu (bên trong Hoàng Thành, Huế), sau lưng Hiển Lâm Các, làm lễ tạ. Cửu Đỉnh ở nguyên vị trí từ đó đến ngày nay.

Trải qua 200 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, Cửu Đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu.

Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất. Từ khi được hình thành, Cửu Đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế. Cửu Đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012.

Cả 9 chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh có khác nhau xê dịch từ 3.201 cân ta đến 4.307 cân ta.

TTXVN_0805Cuudinh3.jpg
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí...tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu Đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo.

Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.

Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu Đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam, được chọn lọc và sắp xếp theo số 9: “Chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ; Chín ngọn núi lớn; Chín con sông lớn; Chín sông đào và sông khác; Chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; Chín con thú lớn bốn chân; Chín con vật linh; Chín loài chim; Chín loại cây lương thực; Chín loại rau, củ; Chín loại hoa; Chín loại cây lấy quả; Chín loại dược liệu quý; Chín loại cây thân gỗ; Chín loại vũ khí; Chín loài cá, ốc, côn trùng; Chín loại thuyền, xe, cờ.”

Có thể thấy rằng các nghệ nhân thời Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa đỏ, động vật, binh khí, xe thuyền…

Nếu ở Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương. Nếu Cao đỉnh có cọp trên rừng thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển. Các hình ảnh ở Cửu Đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam.

Trên Cửu Đỉnh cũng có những hình ảnh sản vật liên quan đến thời cam go của vương triều nhà Nguyễn như cây Nam trân (lòn bon) được khắc chạm trên Nhân đỉnh. Quả lòn bon rất ngọt, mọc nhiều ở rừng Quảng Nam, hiện vẫn được bán trên thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế...

Tương truyền, những năm cuối thế kỷ 18, thời gian bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) ẩn náu ở nguồn sông Vu Gia, rừng Quảng Nam, nhờ ăn quả lòn bon này mà sống.

Khi Nguyễn Vương lên ngôi Vua Gia Long, người đã đặt tên cho cây trái này là phụng quân mộc (cây gặp vua). Có lẽ vì thế mà Vua Minh Mạng cho khắc cây lòn bon vào Nhân đỉnh.

Ngoài cây lòn bon, Vua còn cho khắc hình ảnh cá sấu trên Chương đỉnh vì tương truyền Nguyễn Phúc Ánh qua sông nhờ cá sấu cản mà không sa vào tay kẻ thù. Khi vượt biển ra đảo Thổ Chu, thuyền của Ánh không bị lật nhờ rắn thần giữ thăng bằng.

Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu Đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt ở chốn thôn trang. Bên cạnh cây gỗ lim, quế, tùng, còn có những cây lương thực và thảo mộc rất phổ biến đối với mọi người, như cây lúa, cây trầu, cây mít, cây hành, cây nghệ, rau tía tô, cây đậu phụng.

Cửu Đỉnh Huế gắn liền với Thụy hiệu các vua nhà Nguyễn

Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh, bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh.

Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Thánh Tổ, Chương đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Hiến Tổ, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Dực Tông, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Giản Tông, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Cảnh Tông, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Hoằng Tông, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.

Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự nghiệp của bậc đế vương, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng đó chính là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn.

TTXVN_0805Cuudinh4.jpg
Các đại biểu tham quan Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh”. (Ảnh: Đỗ Trưởng/ TTXVN)

Chẳng hạn, Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế, Nhân đỉnh là thụy hiệu của chính vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân hoàng đế), Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị (Hiến tổ Chương hoàng đế), Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức (Dực tông Anh hoàng đế), Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh là thụy hiệu của vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định.

Các vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị Tôn Thất Thuyết phế truất, vua Hàm Nghi dưới sự giúp sức của Tôn Thất Thuyết đã xuống dụ Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu đứng lên giúp vua cứu nước chống Pháp, hai cha con vua Thành Thái, Duy Tân bị người Pháp phế truất và lưu đày, vua Bảo Đại thoái vị... đều không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Do đó, tên của Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kỳ vị vua nào triều Nguyễn.

Cửu Đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy và sự vững mạnh của một triều đại thống nhất.

Cửu Đỉnh - Cuốn sách ảnh về sinh học Việt Nam

Cửu Đỉnh không chỉ là hình trang trí đơn thuần mà thực sự là một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học.

Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên các đỉnh đồng của nhà Nguyễn ở Huế có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài.

Tất cả loài động thực vật do vậy đều có thể nhận dạng dễ dàng qua các hình khắc đồng trên Cửu Đỉnh.

Thực vật trên Cửu Đỉnh với 54 họa tiết, có thể phân thành 6 nhóm: cây lương thực, cây lấy sợi, rau và cây gia vị, cây lấy quả, các loại hoa, các loại gỗ, dược liệu và hương liệu. Động vật gồm có: loài cá, ốc, côn trùng; chim; thú lớn bốn chân; các loài vật linh.

Cửu Đỉnh nhà Nguyễn có thể nói là một bộ sách ảnh các loài động thực vật đặc trưng của nước ta, thể hiện một thiên nhiên phong phú, quý giá. Đó cũng có thể coi là một cuốn Sách đỏ Việt Nam hay một Danh mục các loài cần được bảo vệ của thời xưa.

Cửu Đỉnh mang giá trị quốc tế

Cửu Đỉnh được viết bằng chữ Hán và các tư liệu được thể hiện bằng các hình ảnh đúc nổi với nội dung chủ đạo liên quan đến các địa danh, thụy hiệu của vua, các sinh vật, cây trồng, sông núi …và đặc biệt là việc khẳng định chủ quyền biển đảo.

Cửu Đỉnh chạm khắc nhiều địa danh sông núi, biển đảo... của đất nước được thể hiện rất rõ ràng, minh xác. Đặc biệt, trong 9 đỉnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo nước Việt gồm Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất.

TTXVN_0805Cuudinh5.jpg
Cửu Đỉnh được đặt trước sân Thế Miếu trong Đại Nội Huế, là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán-Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu Đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.

Chữ Hán là ngôn ngữ để dùng của một số nước ở khu vực Đông Á, có tính phổ biến cao, có giá trị đối với cộng đồng. Trong cái nhìn so sánh cho ta biết rằng: trong hoàng cung các triều đại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không có đúc Cửu Đỉnh nào tương tự như ở Cố đô Huế thời Nguyễn. Thậm chí, ngay tại Việt Nam, các triều đại trước đó cũng không để lại một dạng tư liệu nào như vậy.

Kỹ thuật đúc đồng tinh xảo

Cửu Đỉnh là “bộ Bách khoa thư” về đất nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh.

Trên thân mỗi đỉnh được đúc tạo và khắc nổi những họa tiết, hoa văn thể hiện một trình độ rất cao, tay nghề tinh xảo của những nghệ nhân đúc đồng nước ta dưới thời nhà Nguyễn.

Để làm nên Cửu Đỉnh, người thợ phải làm ra những chiếc khuôn đúc với tỉ lệ chuẩn xác nhất định, đây là công đoạn quyết định đến sự thành công hay thất bại trong việc đúc Cửu Đỉnh nói riêng. Do đó, đòi hỏi những nghệ nhân phải kiên trì và có sự tập trung cùng một sự am hiểu nhất định.

Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” thì Cửu Đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên khuôn đúc được tạo theo lối thủ công. Để tạo nên những khuôn đúc, người ta rất kỳ công trong việc lựa chọn loại đất sét phù hợp.

Khuôn đúc Cửu Đỉnh là những chiếc khuôn độc bản, vì để tránh sự sao chép, sau khi đúc hoàn chỉnh, các khuôn đúc đều bị phá bỏ. Theo sử quan nhà Nguyễn thì khoảng thời gian đúc Cửu Đỉnh phải đúc cách đoạn, đúc từng chiếc, đến gần 7 tháng mới đúc xong.

Cửu Đỉnh đạt đến trình độ tinh xảo nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thế kỷ 19. Bằng tất cả sự khéo léo tài nghệ, thợ đúc đồng Huế đã đúc nên tuyệt tác, làm cho người châu Âu phải kinh ngạc thán phục suốt gần 200 năm qua.

Cửu Đỉnh Huế là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên.

Với óc thẩm mỹ tinh tế, sự sáng tạo cộng với trình độ kỹ thuật cao, các nghệ nhân đúc đồng đã biểu đạt thành công và xuất sắc nhãn quan qua tác phẩm của mình.

Cửu Đỉnh được đúc thủ công, quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các đơn vị hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu Đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Cái tài của người xưa là đúc 9 chiếc đỉnh vừa to cao sừng sững, nặng vững vẫn thanh thoát không vết nẻ chút nào, vừa thống nhất trong tổng thể lại rất đa dạng, phong phú trong mỗi chi tiết. Chính sự đa dạng trong cái hài hòa ấy đã tôn thêm giá trị nghệ thuật của tác phẩm và trình độ nghệ thuật của người xưa.

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết, Cửu Đỉnh là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ của nghệ thuật đúc đồng truyền thống của Việt Nam. Những hình ảnh chạm nổi trên Cửu Đỉnh là một bộ "Đại Nam nhất thống chí" bằng đồng vô cùng độc đáo.

Trong hệ thống các di sản cung đình triều Nguyễn, có thể nói Cửu Đỉnh là dạng “phiên bản giới hạn,” không được chế tác hàng loạt như một số sản phẩm khác. Do đó, Cửu Đỉnh là hiện vật không “trùng bản” và không thể thay thế.

Cửu Đỉnh là một cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu Thế kỷ 19 được biểu trưng bằng hình ảnh. Qua đó thể hiện trí tuệ của tiền nhân và tầm cao nghệ thuật.

Có thể khẳng định rằng, Cửu Đỉnh Huế là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí vẽ đẹp bên ngoài vốn có của nó, mà còn chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên.

Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, sau gần 200 năm dù đã trải qua bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn vẹn nguyên. Bảo vật hiếm hoi còn lại, tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông.

Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế được vinh danh là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, điều này đã gia tăng thương hiệu di sản Huế, một điểm đến 8 di sản.

Đây cũng là nền tảng và là món quà để khẳng định mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bản sắc văn hóa Huế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục