Ngày 21/3, Viện Y học Biển Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc gia về y tế biển đảo lần thứ VII chủ đề “Y học dưới nước và ứng dụng của oxy cao áp trong lâm sàng” và Hội nghị “Triển khai ứng dụng trị liệu oxy cao áp trong lâm sàng.”
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết phát triển y tế biển, đảo là nhiệm vụ rất cần thiết và được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, định hướng phát triển thông qua Quyết định 658/QĐ-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.
Y học dưới nước và cao áp là chuyên khoa sâu của chuyên ngành y học biển. Y học dưới nước và cao áp nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường nước, áp suất cao đến các chức năng của cơ thể con người, nghiên cứu cơ chế sinh bệnh, cơ chế phát sinh của những tai biến xảy ra do thay đổi áp suất, biện pháp cấp cứu, điều trị các loại bệnh lý, tai biến này.
Các nghiên cứu y học dưới nước và cao áp giúp con người đưa ra giải pháp nhằm chinh phục độ sâu ngày càng hiệu quả, an toàn hơn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trị liệu oxy cao áp trong lâm sàng đang phát triển rất mạnh, mở ra hướng nghiên cứu mới về điều trị đặc hiệu cho nhiều bệnh lý trên lâm sàng.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn mong muốn các đại biểu thảo luận, trao đổi, đưa ra định hướng để phát triển y học biển, đảo từ nay đến năm 2030, đúng tầm vóc, quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả, làm cơ sở để các đơn vị triển khai thời gian tới.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam, cho biết Viện là trực thuộc Bộ Y tế, được Bộ giao chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành y học biển và ứng dụng, triển khai kỹ thuật mới đặc thù trong khám, điều trị bệnh, quản lý sức khỏe người dân khu vực biển đảo.
Hội nghị này là dịp để Viện báo cáo Bộ Y tế, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị y tế cả nước nói chung, khu vực biển, đảo nói riêng về kết quả triển khai xây dựng, phát triển chuyên ngành y học cao áp, ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng với những kết quả khả quan trong điều trị, phục hồi chức năng người bệnh, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế và phát triển y tế biển, đảo Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại biểu chia sẻ những thành tựu nổi bật trong phát triển chuyên ngành y học dưới nước và oxy cao áp của Việt Nam, quốc tế.
Theo các đại biểu, oxy cao áp được ứng dụng điều trị nhiều loại bệnh như, ngộ độc khí CO, bỏng, nhồi máu não cấp cũng như ứng dụng trong phục hồi chức năng và thẩm mỹ.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học biển và Y học cao áp Việt Nam, hiện mạng lưới y học cao áp hình thành tại 28 tỉnh, thành phố của cả nước, 10 tỉnh, thành phố đang chuẩn bị triển khai điều trị oxy cao áp, trong đó, trung tâm đầu ngành đặt tại Viện Y học Biển Việt Nam (Hải Phòng).
Quảng Ninh có 9 bệnh viện có trung tâm ứng dụng oxy cao áp và là tỉnh có trung tâm oxy cao áp nhiều nhất cả nước. Việc ứng dụng oxy cao áp đã được ứng dụng rộng rãi và đã được Bộ Y tế ban hành Quyết định 2539/QĐ-BYT về Hướng dẫn quy trình kỹ thuật điều trị bằng oxy cao áp, tập trung các nhóm bệnh như cấp cứu biển và cấp cứu nội, ngoại khoa, phục hồi chức năng, phục hồi sức khỏe, chống lão hóa, thẩm mỹ.
Tại Viện Y học Biển Việt Nam, Viện ứng dụng oxy cao áp cấp cứu gần 100 ca tai biến lặn, trong đó có cả bệnh nhân người nước ngoài và hàng ngàn ca tai biến mạch máu não.
Bác sỹ Wang Soon Joo, Đại học Hallym của Hàn Quốc cũng chia sẻ về ứng dụng oxy cao áp trong điều trị tại quốc gia này. Theo ông, trước những năm 1970, Hàn Quốc áp dụng thành công điều trị bằng oxy cao áp để cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than. Những năm sau đó và thời điểm hiện tại, ở Hàn Quốc, việc ứng dụng oxy cao áp ngày càng phát triển, đặc biệt trong các trường hợp tai biến lặn, tự tử, điều trị bỏng, thẩm mỹ./.