Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tỷ lệ số công trình xây dựng có giấy phép đang tăng dần qua các năm.
Nếu năm 2005 công trình xây dựng có phép chỉ đạt 71% thì năm 2011 đã vượt lên hơn 90% và những tháng đầu năm nay con số này đã đạt xấp xỉ 93% trên tổng số công trình xây dựng trên các địa bàn.
Ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết xác định việc cấp phép xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, bởi vậy Luật Xây dựng mới được Quốc hội thông qua đã “thu hẹp” đối tượng phải xin cấp phép xây dựng. Trong đó, hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ được quy định cụ thể theo từng trường hợp và cũng giảm bớt nhiều loại “giấy” tùy theo từng trường hợp. Khi hoạt động cấp phép xây dựng được minh bạch cũng là yếu tố giúp người dân và cả doanh nghiệp chủ động chấp hành nghiêm quy định của Luật, tiếp tục thu hẹp tỷ lệ công trình xây dựng không phép.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, các quy định về cấp giấy phép xây dựng đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Điều này đã tạo chuyển biến về tỷ lệ công trình xây dựng có phép xây dựng. Tại báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận về bộ 11 chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2013 với chỉ số về giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng đạt thứ hạng cao nhất trong 11 chỉ số, xếp thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2012 (67/183) và là một trong hai chỉ số có mức tăng thứ hạng so với năm 2012.
Kể từ khi Luật Xây dựng (2003) có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn về giấy phép xây dựng; đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng, tiếp tục theo hướng phân cấp mạnh cho cấp huyện; cải cách thủ tục hành chính và trình tự thủ tục thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hồ sơ cấp giấy phép xây dựng được quy định cụ thể cho từng loại công trình theo hướng đơn giản và dễ thực hiện.
Cùng đó, quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông khi cấp giấy phép xây dựng cũng tạo thuận lợi hơn cho chủ đầu tư và người dân khi chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Sau đó, đơn vị này có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để tổng hợp, xem xét việc đáp ứng các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng. Thời gian cấp giấy phép xây dựng không vượt quá 20 ngày đối với công trình xây dựng, 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng đã ban hành quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để phân cấp, hướng dẫn quy trình, trình tự thực hiện công tác cấp phép xây dựng; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trực tiếp thực hiện công tác này./.