Tiết kiệm cho xã hội 8.500 tỷ đồng nhờ triển khai Chính phủ điện tử

Tiết kiệm cho xã hội 8.500 tỷ đồng nhờ cải cách thủ tục hành chính

Nhiều hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử được đưa vào vận hành, giúp đổi mới trong các cơ quan Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Tiết kiệm cho xã hội 8.500 tỷ đồng nhờ cải cách thủ tục hành chính ảnh 1Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhờ áp dụng các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã ước tính tổng chi phí tiết kiệm cho xã hội của Việt Nam ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào chiều 28/12, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay trong năm 2020 đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh. Tính chung giai đoạn 2016-2020 đã cắt giảm: 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý.

Ông Dũng cho biết với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, cơ quan, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế. Cụ thể xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016¬2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia; chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Đặc biệt, trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 2 bậc so với năm 2018 (duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86), được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới.

[Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp]

Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, nhiều hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Đơn cử, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12/3/2019 đến nay đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương; hơn 3,7 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục; giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) chi phí tiết kiệm được khoảng 169 tỷ đồng/năm; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Cổng Dịch vụ công quốc gia sau một năm vận hành đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6.700 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%), với hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ hơn 9.600 phản ánh, kiến nghị; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

“Theo cách tính của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tổng chi phí tiết kiệm cho xã hội ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm từ các hệ thống trên,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Đề cập đến hoạt động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm (2016-2020), theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) khi Tổ công tác chưa thành lập, nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với năm 2016.

“Đặc biệt, các nhiệm vụ giao tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng tiến độ. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chậm được thực hiện như việc triển khai sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, việc chuyển giao đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước...,” ông Dũng nói.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ kiến nghị tập trung, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; quyết tâm không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, các đề án sang năm sau; giao Tổ công tác tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục