Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV

Được con sông Mekong bồi đắp, với khí hậu nhiệt đới thuận lợi, Tiểu vùng Mekong có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và là vựa lúa lớn nhất của thế giới.
Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV ảnh 1

Thông tin về Tiểu vùng Mekong và Lịch sử hình thành, phát triển của các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV.

I. Tiểu vùng Mekong

Với chiều dài hơn 4.800km, sông Mekong là con sông dài nhất ở khu vực Đông Nam Á và là con sông lớn thứ 12 trên thế giới. Khu vực Tiểu vùng Mekong bao gồm năm quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, với tổng diện tích gần 2 triệu km2.

Được con sông Mekong bồi đắp, với khí hậu nhiệt đới thuận lợi, Tiểu vùng Mekong có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế khu vực này cũng rất ấn tượng. Trong năm 2015, bình quân tăng trưởng khu vực này đạt mức 6,1%, trong khi tăng trưởng bình quân của thế giới ở mức 2,5%.

Tăng trưởng kinh tế trong khu vực không chỉ dựa vào sản xuất lương thực, mà còn được thúc đẩy bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với cơ cấu dân số trẻ, năng động, Tiểu vùng Mekong có lợi thế lớn về nguồn nhân lực và là thị trường tiêu dùng tiềm năng.

Bên cạnh đó, Tiểu vùng Mekong có vị trí địa lý đặc biệt, kết nối với các thị trường lớn và các nền kinh tế năng động của Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Với các lợi thế như vậy, Tiểu vùng Mekong có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất-tiêu dùng của ASEAN và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng vai trò cầu nối giao thông, thương mại, đầu tư giữa các nước phía Đông Châu Á.

Trong giai đoạn gần đây, tiềm năng phát triển của Tiểu vùng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và các đối tác phát triển. Nắm bắt được xu thể hội nhập khu vực và quốc tế. Đến nay, tại Tiểu vùng Mekong đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác trong nội khối các nước Mekong cũng như giữa các nước Mekong với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, EU.

Với chính sách đúng và thế mạnh vốn có, các nước Mekong đang là một khu vực kinh tế năng động, đóng vai trò động lực phát triển của Đông Nam Á.

II. Lịch sử hình thành và phát triển của các cơ chế Hợp tác ACMECS và CLMV

Trong các cơ chế hợp tác tại Tiểu vùng Mekong, có 4 cơ chế hợp tác nội khối giữa các nước Mekong, bao gồm (trong ngoặc là thời gian thành lập):

(1) Ủy hội sông Mekong​-MRC (1995).

(2) Hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam-CLV (1999).

(3) Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam-CLMV (2003).

(4) Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong-ACMECS (2003).

Cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong và các đối tác phát triển bao gồm:

(1) Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng-GMS (1992),

(2) Hợp tác phát triển giữa ASEAN và Lưu vực Mekong-AMBDC (1996)

(3) Hợp tác sông Hằng-sông Mekong-MGC (2000),

(4) Hợp tác Mekong-Nhật Bản (2007),

(5) Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (2009),

(6) Hợp tác Mekong-Hàn Quốc (2011),

(7) Những người bạn của Mekong-FLM (2011),

(8) Hợp tác Mekong-Lan Thương (2015).

Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV ảnh 2Ngày 12/3/2013, tại thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam (CLMV) lần thứ 6. Trong ảnh: Các Trưởng đoàn và Tổng thư ký ASEAN chụp ảnh chung. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

1. Hợp tác CLMV

1.1. Lịch sử và phát triển

a. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản, tháng 12/2003, Tokyo, Nhật Bản, Lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí hình thành cơ chế họp Cấp cao giữa bốn nước CLMV. Mục tiêu của Hợp tác CLMV nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội của các nước CLMV, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN khác.

b. Hợp tác CLMV tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên là: (1) Thương mại và Đầu tư; (2) Phát triển nguồn nhân lực; (3) Nông nghiệp; (4) Công nghiệp; (5) Giao thông; (6) Du lịch. Trong 6 lĩnh vực trên, Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực làThương mại và Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực.

c. Về cơ chế hoạt động: hợp tác CLMV có Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế, Quan chức cao cấp (SOM) và 6 Nhóm công tác chuyên ngành.

d. Hợp tác CLMV đến nay đã tổ chức được 7 Hội nghị Cấp cao. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao CLMV 4 (2008). Một số kết quả cụ thể qua các kỳ Hội nghị Cấp cao:

- Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 1 (Vientiane, 11/2004) đã thông qua “Tuyên bố Vientiane về Tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV” là văn kiện định hướng cho phát triển hợp tác giữa các nước CLMV sau này.

- Tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 2 (Malaysia, tháng 12/2005), Thủ tướng bốn nước CLMV đã thông qua Chương trình hành động CLMV và nhất trí bốn nước phối hợp với Thái Lan nghiên cứu khả năng kết hợp hợp tác CLMV và hợp tác ACMECS nhằm tránh trùng lặp và nâng cao hiệu quả hợp tác.

- Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 3 (Philippines, tháng 1/2007) ghi nhận các thỏa thuận về kết hợp Chương trình hành động CLMV và Chương trình hành động Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS); thông qua Chương trình hành động CLMV 2006 và chỉ đạo các Nhóm Công tác của bốn nước CLMV sớm đề xuất các dự án hợp tác khả thi để trao đổi, thống nhất tại cuộc họp SOM CLMV tại Việt Nam vào đầu năm 2007.

- Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 4 (Việt Nam, 11/2008) đã nhất trí định hướng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác CLMV, bao gồm thương mại và đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch, và phát triển nguồn nhân lực.

Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và doanh nghiệp các nước vào tiến trình hợp tác. Hội nghị nhất trí tạo thuận lợi và thúc đẩy các doanh nghiệp nước thành viên hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, khoáng sản, thủy điện, phát triển hạ tầng, dịch vụ và logistics...

Các nước đánh giá cao Việt Nam thành lập Chương trình Học bổng CLMV. Hội nghị nhất trí giảm tần suất họp Cấp cao CLMV xuống còn hai năm một lần, tổ chức họp Bộ trưởng trước các Hội nghị Cấp cao hoặc giữa hai kỳ Hội nghị Cấp cao nếu cần thiết, tổ chức họp SOM hàng năm.

Các Thủ tướng đã thông qua Danh mục 58 dự án hợp tác CLMV, đồng thời giao các quan chức cao cấp sớm hình thành danh mục dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ và xây dựng lộ trình cụ thể triển khai.

Hội nghị nhất trí với đề xuất của Lào tổ chức Hội thảo khu vực nhằm huy động hỗ trợ quốc tế cho hội nhập của các nước CLMV vào ASEAN vào đầu năm 2009; trước đó, các quan chức cao cấp sẽ họp để thống nhất danh mục dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ.

- Tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 5 (Campuchia, 11/2010), bốn Thủ tướng đã trao đổi về tình hình hợp tác trong thời gian vừa qua và thông qua Danh sách 16 Dự án ưu tiên của bốn nước và phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các đối tác phát triển thực hiện. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Phnom Penh về tăng cường hợp tác giữa bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN.

- Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 6 (Lào, 3/2013) đã nhất trí về một số định hướng lớn về phát triển CLMV bao gồm: (i) nâng cao tính khả thi và khả năng vận động nguồn lực qua việc điều chỉnh nội dung 10 dự ưu tiên cho sát với nội dung của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI); (ii) nâng cao hiệu quả điều phối hợp tác, bao gồm hoàn thiện cơ chế giám sát thực hiện kế hoạch hành động, tổ chức họp các nhóm công tác và họp SOM thường niên định kỳ; (iii) đẩy mạnh hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; (iv) tăng cường kết nối thông qua đẩy mạnh hợp tác phát triển các hành lang kinh tế; và (v) đẩy mạnh hợp tác phát triển nhân lực.

- Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 7 (Myanmar, 6/2015), các Nhà Lãnh đạo nhất trí: (i) Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa bốn nước: phối hợp xây dựng các chính sách mới về tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại giữa các nước CLMV và thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp CLMV đầu tư vào thị trường của nhau; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng; (ii) Phát huy tối đa tiềm năng của các Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) và Hành lang kinh tế Bắc-Nam (NSEC); nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế; và (iii) Xây dựng tiểu vùng CLMV thành một điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

- Hội nghị Cấp cao CLMV 8 sẽ tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 26/10.

1.2. Tham gia của Việt Nam:

Việt Nam là nước chủ động tham gia tích cực hợp tác CLMV, nhất là đầu tư và cung cấp các khoản hỗ trợ ba nước CLM trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác nhằm đưa hợp tác CLMV đi vào hiệu quả và thực chất hơn.

Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV ảnh 3Ngày 12/3/2013, tại thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam (CLMV) lần thứ 6. Trong ảnh: Các Trưởng đoàn và Tổng thư ký ASEAN chụp ảnh chung. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

2. Hợp tác ACMECS

2.1. Lịch sử và phát triển

a. Cơ chế hợp tác Chiến lược Chiến lược kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)được thành lập vào tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan theo sáng kiến của Thái Lan với 4 nước thành viên là Campuchia, Lào, Myanmar, và Thái Lan. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại HNBT ACMECS lần 1 tại Thái Lan, tháng 11/2004.

Mục tiêu của Hợp tác ACMECS nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển.

b. Về cơ chế hoạt động: Ngoài Hội nghị Cấp cao, hợp tác ACMECS còn họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao), Quan chức cao cấp (SOM) và 8 Nhóm công tác chuyên ngành.

c. Hợp tác ACMECS bao gồm 8 lĩnh vực là: (1) Hợp tác Thương mại và Đầu tư; (2) Hợp tác Y tế; (3) Hợp tác Nông nghiệp;(4) Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực; (5) Hợp tác Công nghiệp - Năng lượng; (6) Hợp tác Giao thông; (7) Hợp tác Du lịch; (8) Hợp tác Môi trường. Trong 8 lĩnh vực trên, Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực, Hợp tác Công nghiệp - Năng lượng. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia đồng chủ trì điều phối Hợp tác Môi trường.

d. Hợp tác ACMECS đến nay đã tổ chức được 6 Hội nghị Cấp cao. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS 3 (2008). Một số kết quả cụ thể qua các kỳ Hội nghị Cấp cao:

- Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 1 (Myanmar, 2003) đã thông qua “Tuyên bố Bagan” theo đó nêu tầm nhìn, các mục tiêu chính, nguyên tắc triển khai hoạt động của ACMECS, là định hướng cho hợp tác giữa các nước ACMECS trong các giai đoạn sau.

- Hội nghị Cấp cao ACMECS giữa kỳ (Philippines, 2007) nhất trí: (i) thông qua Chương trình hành động ACMECS 2006, danh mục dự án ACMECS 2006-2008 và danh mục 14 dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ của các Đối tác phát triển; (ii) ghi nhận các thỏa thuận về việc kết hợp Chương trình hành động ACMECS và CLMV; (iii) ưu tiên hợp tác giao thông, nông nghiệp, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực và du lịch; (iv) ghi nhận và giao các Bộ trưởng và các Nhóm công tác ACMECS nghiên cứu cụ thể sáng kiến của Thủ tướng Hun Sen về thành lập hiệp hội xuất khẩu gạo ACMECS.

- Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 3 (Việt Nam, 2008) đã thông qua Tuyên bố các Nhà Lãnh đạo ACMECS về thúc đẩy và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, nhất trí ưu tiên hợp tác liên kết kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối nhằm đối phó với thách thức và biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị đã nhất trí thành lập nhóm công tác về môi trường.

- Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 4 (Campuchia, 2010) đã trao đổi về việc triển khai hợp tác trong thời gian vừa qua trong các lĩnh vực: thương mại đầu tư, công nghiệp năng lượng, phát triển nguồn nhân lực, giao thông vận tải và lĩnh vực hợp tác mới là môi trường. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Phnom Penh trong đó đề cập sơ bộ về hợp tác gạo và Chương trình Hành động ACMECS. Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ACMECS, Campuchia đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp ACMECS lần thứ II. Diễn đàn cũng đã quyết định thành lập Hội đồng doanh nghiệp chung của các nước ACMECS nhằm tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào hợp tác giữa năm nước.

- Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 5 (Lào, 2013) các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Viêng-chăn và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chương trình hành động nêu rõ các định hướng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp - năng lượng, du lịch, thương mại - đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông, y tế và an sinh xã hội, và môi trường. Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao tính khả thi của các dự án, nhất trí các nước cần sớm xây dựng nội dung chi tiết cho 28 dự án ưu tiên và phối hợp với Ban thư ký ASEAN để vận động tài trợ từ các đối tác phát triển.

- Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 6 (Myanmar, 6/2015) đã thông qua Tuyên bố Nay Pi Đô và Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2018. Mục tiêu chính của Kế hoạch hành động là đưa ACMECS trở thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt là ở các khu vực biên giới, tận dụng cơ hội mới mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại. Cụ thể, với tám lĩnh vực hợp tác ưu tiên (tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, kết nối giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường), Kế hoạch Hành động ACMECS giai đoạn 2016-2018 sẽ tập trung: (i) Hỗ trợ các nước ACMECS trở thành các nhà cung cấp hàng đầu khu vực và thế giới về nông sản, trong đó chú trọng hợp tác sản xuất gạo giữa các nước ACMECS và với các đối tác phát triển; khuyến khích mô hình hợp tác sản xuất bao tiêu giữa các nước; (ii) Mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong khu vực, chú trọng phát triển các cửa khẩu quốc tế và nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”; (iii) Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất dọc khu vực biên giới, trong đó có khu công nghiệp, đặc khu kinh tế; tăng cường kết nối khu vực thông qua phát triển vận tải đa phương thức; (iv) Tạo thuận lợi cho giao thông giữa các nước thông qua phát triển hạ tầng mềm và xây dựng các tuyến đường còn thiếu dọc các hành lang kinh tế; (v) Phát triển du lịch bền vững và hiện thực hóa ý tưởng “Năm quốc gia, một điểm đến”; (vi) Nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của lực lượng lao động; (vii) Hợp tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; (viii) Hợp tác quản lý và phát triển bền vững lưu vực các dòng sông Aya-oa-đi, Chao-phờ-rây-a và Mekong, trong đó có thúc đẩy các hoạt động đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề về môi trường.

- Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7 sẽ tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 26/10.

Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV ảnh 4

2.2. Tham gia của Việt Nam:

Việt Nam là nước chủ động đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác ACMECS và điều phối lĩnh vực công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực. Vào tháng 11/2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS 3 tại Hà Nội. Việt Nam cũng đã đề xuất và được các nước thống nhất về việc thành lập Nhóm công tác về môi trường.

III. Vai trò của các cơ chế Hợp tác ACMECS và CLMV tại Tiểu vùng Mekong

Là hai cơ chế hợp tác nội khối giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong, Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) và Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) ra đời với mục đích chính là thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế của các nước Tiểu vùng trong ASEAN và trên trường quốc tế, hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sau hơn 13 năm hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được những kết quả khả quan, giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước Tiểu vùng Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đồng thời tăng cường tiếng nói của các thành viên trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn phát triển mới của Tiểu vùng, hai cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các nước Tiểu vùng vượt qua các thách thức chung, nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt các cơ hội phát triển mới.

Với tầm nhìn như vậy, hợp tác CLMV và ACMECS sẽ tập trung hướng tới các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; hài hòa hóa các quy trình, thủ tục trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn qua biên giới; phát triển công nghiệp-nông nghiệp; tăng cường phát triển văn hóa-du lịch và giao lưu nhân dân; phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình học bổng và dạy nghề; bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Hai cơ chế này sẽ tiếp tục là nền tảng để các nước Mekong phối hợp nỗ lực, củng cố lòng tin, đối thoại tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung như vấn đề nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... trên cơ sở hài hòa lợi ích của tất cả các bên.

Việc tăng cường hợp tác và kết nối cũng giúp nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước Mekong trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực tài chính và con người, để hai cơ chế này phát huy được hết hiệu quả, yêu cầu trước mắt đặt ra là cần cải tiến phương thức và lựa chọn lĩnh vực hợp tác ưu tiên phù hợp với bối cảnh mới và nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác.

Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV ảnh 5Toàn cảnh hội nghị CLMV 7. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

IV. Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ bảy và Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ tám sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 24-26/10. Với chủ đề “Hướng đến một tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng: Nắm bắt cơ hội, Định hình tương lai," Hội nghị là dịp để các nhà Lãnh đạo xem xét tình hình thực hiện các kế hoạch hành động đã được thông qua thống nhất các biện pháp hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và ứng phó với các thách thức chung, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Tiểu vùng.

V. Đóng góp của Việt Nam

Là nước chủ nhà của hai Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ bảy và CLMV lần thứ tám, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước xây dựng các văn kiện của Hội nghị, thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy các nội dung hợp tác thiết thực, cụ thể và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hai cơ chế hợp tác.

Để hợp tác đạt được những tiến bộ mới, Việt Nam đã đóng góp một số sáng kiến hợp tác cụ thể như ý tưởng xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội-Vientiane, triển khai nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Rănggun-Mâythila-Talay-Cengláp (Myanmar)-Xiêngcooc-Luang Namtha-Oudomxay-Mường Khoa (Lào)-Tây Trang-Hà Nội (Việt Nam) để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người, tiến tới kết nối thông suốt giữa các nước trong khu vực Mekong; tiếp tục triển khai Quỹ học bổng CLMV do Chính phủ Việt Nam tài trợ giai đoạn 2016-2020 hay sáng kiến thúc đẩy công nhận về bằng cấp giữa các nước trong hợp tác CLMV.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc trong sự phát triển của Tiểu vùng Mekong, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các nội dung hợp tác hướng đến sự phát triển xanh và bền vững như phát triển nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường hiệu quả, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả trong hợp tác ACMECS.

Một sáng kiến nổi bật của Việt Nam tại Hội nghị lần này là việc tăng cường sự tham gia của các đối tác phát triển và khu vực tư nhân trong các hoạt động của hai cơ chế hợp tác.

Để tăng cường hơn nữa tiếng nói của các nước trong Tiểu vùng, thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển nhằm huy động nguồn lực phát triển cho Tiểu vùng, Hội nghị lần này không chỉ có sự tham dự của Lãnh đạo Cấp cao các nước Mekong mà còn có đại diện của các đối tác phát triển lớn và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).

Lần đầu tiên, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong (WEF Mekong) được tổ chức cùng dịp với các Hội nghị Cấp cao ACMECS và CLMV nhằm quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Hội nghị WEF-Mekong sẽ mang đến những những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.

Với những nỗ lực chuẩn bị và những sáng kiến của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà Hội nghị, cùng sự tham gia tích cực của các nước thành viên, Hội nghị Cấp cao ACMECS7, Hội nghị Cấp cao CLMV 8 và Hội nghị WEF-Mekong sẽ đưa hợp tác khu vực tiểu vùng Mekong bước sang giai đoạn mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung ở khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục