Ngày 30/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới.”
Hội thảo nhằm đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của thực phẩm chức năng trong công tác dự phòng, cũng như hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khỏe người dân, đồng thời ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng,
"Bùng nổ" thị trường thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng được biết đến là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, gồm thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học.
Tại Việt Nam, thực phẩm chức năng được nhập khẩu vào sử dụng từ năm 2000 chủ yếu theo hình thức hàng xách tay từ nước ngoài về, sau đó việc sản xuất thực phẩm chức năng trong nước cũng được nhiều công ty nghiên cứu và ứng dụng.
Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, thực phẩm chức năng ở Việt Nam phát triển với số lượng nhiều, mức tiêu thụ tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có khoảng trên 30 loại sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu vào thị trường, đến nay đã có gần 10.000 sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường, trong đó nhập khẩu chiếm gần 40%.
Số lượng các doanh nghiệp tham gia sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng đang tăng mạnh mẽ. Cả nước hiện có khoảng gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỗi năm tăng nhiều hơn, với các kênh phân phối rất đa dạng.
Tiến sỹ Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết trong thời gian qua, thực phẩm chức năng đã góp phần to lớn trong việc dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, thực phẩm chức năng cũng góp phần trong việc giảm tải bệnh viện.
Tuy nhiên, hiện tượng “bùng nổ” về nhu cầu làm cho thị trường thực phẩm chức năng ngày càng phong phú, đa dạng, khó kiểm soát. Từ sự cả tin, thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm chức năng, một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng nâng giá bán và bán hàng giả, hàng kém chất lượng để kiếm lợi nhuận "khủng."
Mới đây, đầu tháng 10/2013, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện hơn 100 thùng thực phẩm chức năng, nhãn ghi xuất xứ từ Mỹ nhưng thực tế lại sản xuất ở Hải Dương; hay vụ việc có trên 3.780 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang, xuất xứ Trung Quốc, sau khi nhập về lại dán nhãn sản xuất tại Mỹ.
Quảng cáo quá chức năng
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, việc ghi nhãn đối với thực phẩm chức năng phải ghi cụm từ “thực phẩm chức năng” và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Ở Việt Nam, bác sỹ không được phép kê đơn thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Chính vì điều này mà lâu nay thực phẩm chức năng được sử dụng chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng và thậm chí có cả kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế.
Việc quảng cáo thực phẩm nói chung, đặc biệt là thực phẩm chức năng hiện rất khó kiểm soát. Nhiều tổ chức, cá nhân tự thực hiện quảng cáo trên các website, mạng xã hội, tờ rơi... mà không qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Theo ghi nhận của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, thời gian qua có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng tới Hội để khiếu nại về các vấn đề liên quan đến thực phẩm chức năng như sản phẩm không đúng như quảng cáo; sản phẩm không có tác dụng chữa bệnh...
Các nhà chuyên môn cho rằng, cũng như thuốc, dị ứng thực phẩm chức năng có thể xảy ra, nhất là đối với những người có cơ địa nhạy cảm, khi trong thành phần có chất gây dị ứng từ tá dược hay chất bảo quản. Dị ứng thực phẩm chức năng nặng nhất là sốc phản vệ, có thể gây chết người.
Chính vì vậy, “không ít người từ chỗ hy vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu về “thần dược” này. Nghe quảng cáo thì chữa được “bách bệnh” nhưng không được tư vấn, hướng dẫn đã sử dụng không đúng cách, thậm chí quá lạm dụng hoặc sử dụng phải thực phẩm chức năng giả dẫn đến “tiền mất, tật mang,” từ đó quay sang tẩy chay, thậm chí lên án, làm cho thông tin trở nên nhiễu loạn - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng nói.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng thành phố đã tiến hành kiểm tra 42/177 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trên địa bàn. Trong đó có 18 cơ sở vi phạm bị xử phạt với số tiền gần 140 triệu đồng; buộc đình chỉ 3 cơ sở và 3 cơ sở bị đình chỉ lưu thông sản phẩm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng phối hợp với Đoàn Thanh tra của Cục An toàn thực phẩm tiến hành thanh kiểm tra, phát hiện, xử phạt 13 trong tổng số 15 cơ sở được thanh tra. Hầu hết các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo không đúng nội dung đã được duyệt, quảng cáo vượt quá nội dung đã đăng ký, nhãn hàng hóa thiếu cụm từ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” không đúng theo quy định...
Cần siết chặt quản lý ngành công nghiệp thực phẩm chức năng
Với sự bùng nổ và tình hình thực tế của ngành công nghiệp thực phẩm chức năng như hiện nay, ngành y tế có biện pháp siết chặt quản lý vấn đề này ra sao? Hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng, với hơn 10.000 y, dược liệu quý, Việt Nam là nước có nền y học cổ truyền phát triển, số lượng, chủng loại dược liệu để sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng rất lớn. Vì thế, cần có chính sách phù hợp để phát triển những tiềm năng vốn có của nguồn nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phát triển theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Để siết chặt quảng cáo, tiến sỹ Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng cần có sự phối hợp giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ của nhiều cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định nội dung quảng cáo từ các bộ Y tế, Nông nghiệp, Công Thương và sự phối hợp với các cơ quan quản lý các đơn vị phát hành quảng cáo nhằm ngăn chặn quảng cáo không đúng sự thật.
Về phía nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trước mắt, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư về thực phẩm chức năng, nêu rõ quy định có nên kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc hay không; quảng cáo như thế nào; quy trình hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng...
Bộ cũng sẽ có quy định cởi mở hơn về việc bác sỹ được hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng, nhưng về lâu dài Bộ sẽ ban hành quy định về thực phẩm chức năng dựa trên Nghị định của ASEAN trong vấn đề này.
Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp dược phẩm trong nước dựa vào nguồn dược liệu ưu đãi có thể phối hợp nghiên cứu sản xuất hoặc liên kết với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm chức năng tại Việt Nam ./.