Ngày 18/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Khí hậu châu Á-Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo về xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng-tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại thành phố Cần Thơ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm chung và cần được tăng cường hợp tác để tìm ra giải pháp tổng thể của tất cả các nền kinh tế APEC.
Qua hội thảo, Việt Nam mong muốn cùng các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước tìm ra giải pháp tích hợp các thông tin về khí hậu vào chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp các nền kinh tế thuộc khối APEC thực hiện tốt và đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong thời gian tới.
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ chia sẻ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành, tuy là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Những năm gần đây, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp toàn vùng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và phát triển bền vững của cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ mong muốn thông qua thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của APEC về ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tạo tiền đề cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành của Việt Nam đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuỗi giá trị quy mô lớn và tăng trưởng xanh.
Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành Trung tâm Khí hậu châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh thách thức trong công tác đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam hay các quốc gia APEC mà là nỗi lo chung của toàn thế giới, với gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc suy dinh dưỡng.
Trong khi đó, tình trạng xói mòn và bạc màu đất nông nghiệp, khô hạn kéo dài gây khan hiếm nguồn nước cho nông nghiệp cùng nhiều tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu khiến tình hình càng trở nên trầm trọng.
Tuy APEC là khu vực có sản lượng nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới nhưng khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường giữa các nước trong khu vực tạo rào cản trong việc hình thành chuỗi hợp tác sản xuất bền vững; thiếu đi sự liên kết, nhiều quốc gia trở nên đơn độc và lúng túng khi phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Hong-Sang Jung cũng khẳng định qua hội thảo, Trung tâm Khí hậu châu Á-Thái Bình Dương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại biểu, chuyên gia các nước thảo luận, đề xuất, đóng góp các khuyến nghị để xây dựng sáng kiến chung về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho ngành nông nghiệp khu vực.
Các đại biểu tập trung vào phương pháp sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia. Mục tiêu là hình thành một hệ thống kết nối đa quốc gia trong tiêu thụ nông sản, sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo chương trình, hội thảo kết thúc vào ngày 20/8./.