Tìm hướng đi để khai thác hiệu quả tiềm năng thủy sản

Giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững, giảm thiệt hại cho người nuôi đang đặt ra nhiều thách thức cho các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau.
Tìm hướng đi để khai thác hiệu quả tiềm năng thủy sản ảnh 1Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân ven biển Kiên Giang, Cà Mau có sự đổi thay nhanh do biết tận dụng lợi thế nuôi trồng thủy hải sản.

Nhưng nghề nuôi còn gặp nhiều khó khăn từ hạ tầng giao thông, điện, nước đến con giống, thức ăn chăn nuôi cho đến thị trường tiêu thụ… đòi hỏi sự phối hợp, gắn kết hơn nữa giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững, giảm thiệt hại cho người nuôi đang đặt ra nhiều thách thức cho các tỉnh này…

Hạ tầng nuôi trồng thủy sản còn yếu

Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, hầu hết cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản các địa phương ven biển đều thiếu đồng bộ. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, mặc dù có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cơ sở hạ tầng về điện, thủy lợi, cấp thoát nước… của tỉnh hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi này, nguồn vốn dự kiến cần khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi mỗi năm ngân sách của tỉnh chỉ đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Cà Mau hiện chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản trong khi nhu cầu lên đến 200.000 tấn/năm. Chất lượng con giống nuôi trồng thủy sản cũng rất bấp bênh, khó kiểm soát, tỉnh có hơn 800 trại sản xuất tôm giống nhưng nằm rải rác khắp nơi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra chất lượng con giống không cao, chỉ đủ cung cấp khoảng 50% nhu cầu.

Mặt khác, sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh đáp ứng khoảng 60-70% cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, còn lại các doanh nghiệp phải mua bên ngoài, thậm chí có thời điểm nhập khẩu nguyên liệu. Đặc biệt thời điểm tôm chết do dịch bệnh, nguyên liệu đáp ứng chưa đến 50%.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, ý thức bảo vệ môi trường, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, người nuôi vẫn nuôi theo kinh nghiệm, không cải tạo ao hồ theo quy trình, không theo dõi, giám sát sức khỏe tôm nuôi…

Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản của tỉnh nói chung và nuôi tôm nói riêng vẫn đối diện vấn đề dịch bệnh liên tiếp xảy ra chưa có biện pháp khắc phục. Năm 2013, toàn tỉnh có gần 10.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đỏ thân và bệnh gan tụy, đặc biệt là bệnh gan tụy trên tôm vẫn chưa có thuốc đặc trị và các giải pháp phòng ngừa thiếu hiệu quả.

Về tình hình dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã có cuộc họp với các tỉnh ven biển phía Nam trong phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó, Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm soát việc sử dụng chất kháng sinh, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học cũng như công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm…

Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hệ thống kênh cấp thoát chưa tách riêng , việc vận hành các cống đầu kênh còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu cấp nước biển cho nuôi tôm. Một số công trình kênh mương bị bồi lắng, chưa thông ra kênh chính làm hạn chế việc cấp nước cho vùng nuôi và vận chuyển vật tư vào vùng nuôi, chuyển tôm nguyên liệu đi tiêu thụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, giá cả vật tư, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản đều tăng, làm giá thành sản phẩm tăng cao, gây bất lợi cho người sản xuất.

Năm 2013, tình hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh kéo dài. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 15. 000ha, chiếm 17,6% diện tích nuôi. Mới đây, khoảng đầu tháng Tư đã xảy ra tình trạng cá chết đột ngột gây thiệt hại cho 75 hộ nuôi cá bóp, cá mú với khoảng 12 tỷ đồng.

Quy hoạch lại vùng sản xuất để phát huy lợi thế

Để phát huy được thế mạnh của địa phương, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Cà Mau đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó lấy quy hoạch làm trọng tâm. Cụ thể, ngành sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển theo hướng thành lập các cụm, vùng sản xuất giống tập trung, để hạn chế lây lan mầm bệnh, nhằm nâng cao chất lượng tôm giống và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Trong đầu tư hệ thống thủy lợi góp phần phục vụ nuôi trồng thủy sản, tỉnh Cà Mau cũng hướng đến cắt cụm, cắt từng vùng, khu vực để đầu tư và đưa vào sử dụng thay vì đầu tư cả vùng, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng sản lượng tôm còn khá thấp. Để tạo đột phá, năm 2014, Cà Mau tiếp tục giữ diện tích nuôi trồng thủy sản ở mức ổn định hơn 296.000ha nhưng sẽ phát triển theo hướng tăng năng suất các loại hình nuôi để tăng thu nhập, tăng mức sống của người dân.

Trong đó, đẩy mạnh phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ ngành nghề chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến là mô hình hiệu quả mang lại kinh tế cao, nuôi tôm thẻ chân trắng thời gian thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư thấp và kỹ thuật nuôi đơn giản hơn so với nuôi tôm sú, năng suất đạt 600-650 kg/ha, thu nhập từ 70-120 triệu đồng/ha. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi sinh thái, an toàn sinh học, theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Năm 2014, Kiên Giang xây dựng kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 166.598ha, sản lượng 167.850 tấn thủy sản các loại.

Theo chương trình phát triển kinh tế biển Kiên Giang đến năm 2015, diện tích nuôi tôm trong vùng đạt hơn 62.000ha, trong đó nuôi công nghiệp và bán công nghiệp khoảng 5.000ha, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng các loài thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Đẩy mạnh diện tích nuôi tôm theo quy hoạch, kết hợp nhiều phương thức nuôi đa dạng như nuôi quảng canh, thâm canh, bán thâm canh, nuôi xen với lúa hoặc luân vụ. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng quy mô và hiệu quả nuôi trồng các loại thủy sản khác như nuôi cá đồng, cá lồng bè nước ngọt và nước mặn, nuôi nghêu, sò, hến biển ở vùng bãi triều.

Đồng thời, có các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung nguồn lực đầu tư nuôi trồng thủy sản. Cụ thể tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các loại hình nuôi nước mặn, nước ngọt, nước lợ. Nâng cấp và mở rộng các cơ sở sản xuất giống tại các huyện Kiên Lương, Phú Quốc, vùng U Minh Thượng, đảm bảo cung cấp 60% giống chất lượng cao các loại vào năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục