Tìm hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả cao

'Mục tiêu từ đến năm 2030, Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản khoảng 3%, tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%, số xã đạt chuẩn nông thôn 90%...'
Tìm hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả cao ảnh 1Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn,” ngày 27/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả ba lĩnh vực nông nghiệp – nông dân - nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là cơ bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.”

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” được tổ chức vào ngày 27/11, tại Hà Nội.


Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa

Sau 10 năm kể từ khi Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngành nông nghiệp đã có sự dịch chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế. Cơ cấu sản xuất từng ngành đã được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Kết quả, nông sản Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế và khả năng cạnh trên trên thị trường thế giới. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 36,5 tỷ USD và tăng 2,2 lần so với năm 2008.

Nhìn chung giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,26%/năm, giá trị sản xuất ngành tăng 3,9%, năng suất lao động tăng 6,48% (năm 2017).

Đáng chú ý, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, bình quân giai đoạn này đạt 12,2%. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ tại các khu vực nông thôn có sự phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng từ 60,55% lên 73%.

Tìm hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả cao ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng triển lãm tại Hội Nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Bộ máy cơ sở thụ động

Bên cạnh những thành tựu, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện.

Đó là nhiều nơi chưa nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” theo Nghị quyết một cách đầy đủ, dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa tốt khiến cho sự tham gia của quần chúng chưa tích cực, còn có tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, thậm chí một số nơi có biểu hiện lạm dụng tiền đóng góp của người dân.

Tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh” tiếp tục tồn tại, khi mà sự lãnh đạo của nhiều cấp ủy còn thụ động, kéo theo tình trạng bộ máy Nhà nước ở nông thôn đông thì có song mạnh thì chưa.

Một phần nguyên nhân được đồng chí Cao Đức Phát chỉ ra, đó là sự chồng chéo trong hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương. Dẫn đến thực trạng, cơ chế - chính sách ban hành nhiều, nhưng chủ yếu là ngắn hạn và chưa đồng bộ, vẫn còn mang nặng tính bao cấp, xin cho nên hầu như không đi vào đời sống.

Một tình trạng nhức nhối vẫn tồn tại trong nông thôn Việt Nam là "tín dụng đen.” Đồng chí Cao Đức Phát thẳng thắn: “Mức huy động nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết từ trong xã hội còn thấp và dựa nhiều vào ngân sách Nhà nước, do đó chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, dẫn đến tình trạng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp, nhiều nơi người nông dân ‘cực chẳng đã’ phải đi vay từ các nguồn 'tín dụng đen’.”

Với thực tiễn đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình cảnh báo, đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt được nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Tại Hội nghị, các đại biểu Bộ, ngành, địa phương đã tập trung, thẳn thắn trao đổi, đánh giá phân tích Dự thảo Báo cáo 10 năm, từ đó rút ra kinh nghiệm, đề xuất các mô hình, giải pháp có tính đột phá nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn tới./.

Những mục tiêu về phát triển nông nghiệp nông thôn tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045

- Từ nay đến năm 2030, duy trì tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản khoảng 3%, tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%, số xã đạt chuẩn nông thôn 90%, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020 (tăng trên 9%/năm).

- Tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam sẽ xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại có năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả cao, tăng trưởng ổn định 2%-3%/năm và đóng góp khoảng 5% GDP. Bên cạnh đó, công nghiệp và dịch vụ nông thôn sẽ thu hút trên 80% lao động nông thôn đồng thời lao động nông nghiệp chiếm dưới 10% lao động xã hội”./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục