Bài học từ tiền nhân trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài

Tìm lời giải cho bài toán về thu hút và giữ chân nhân tài

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài "Tìm lời giải cho bài toán về thu hút và giữ chân nhân tài" trong giai đoạn hiện nay bởi sự hưng thịnh của đất nước gắn liền với việc đãi ngộ, sử dụng nhân tài.
Tìm lời giải cho bài toán về thu hút và giữ chân nhân tài ảnh 1Trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thu hút nhân tài - câu chuyện không chỉ của riêng chế độ nào, quốc gia nào. Thời kỳ nào, bộ máy nhà nước cũng cần có người tài. Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao giữa khu vực công và khu vực tư ngày càng gay gắt, thì việc tuyển chọn nhân tài vào khu vực công đã khó, giữ chân được nhân tài còn khó hơn rất nhiều.

Lời giải nào cho bài toán thu hút nhân tài, để người tài không "dứt áo ra đi," phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết về chủ đề này.

Bài 1: Bài học từ tiền nhân

Ở nước ta, từ xa xưa, tiền nhân đã có nhiều giải pháp chiêu hiền đãi sỹ. Ngược dòng lịch sử, qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xuống "Chiếu cầu hiền" để chiêu mộ người tài, tổ chức các kỳ thi khắt khe để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài.

Lịch sử đã chứng minh, sự hưng thịnh của đất nước gắn liền với việc đãi ngộ và sử dụng nhân tài.

Thưởng phạt phân minh

Bia tiến sỹ khoa Nhâm Tuất (1442) trong Văn Miếu Quốc Tử Giám đã khắc ghi câu nói của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..."

Trong Chiếu lập Nhà học, vua Quang Trung nhấn mạnh: "dựng nước lấy việc học làm đầu; muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc."

Câu chuyện về thưởng-phạt dưới triều Nguyễn (1802-1945) thể hiện trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn đã cho thấy vấn đề trọng dụng nhân tài, bài học dùng người và thuật trị quốc của tiền nhân.

[Quốc hội: Xây dựng chính sách phù hợp, thu hút, trọng dụng nhân tài]

Năm 1835, Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi khảo sát Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã bị Bộ Công và Bộ Hình tra hỏi, trị tội và đã bị cách chức, bắt gông.

Sau nhà vua xét thấy Phạm Văn Nguyên tuy về quá hạn nhưng không phải vì tư lợi, vả lại, đã thực hiện công vụ chu đáo, đáng được dự thưởng nên đã gia ân, tha đánh đòn 80 trượng và phục lại chức cũ.

Các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ nhưng chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng, cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha.

Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên binh, tượng đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái.

Tìm lời giải cho bài toán về thu hút và giữ chân nhân tài ảnh 2Bia tiến sỹ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Có thể thấy các hoàng đế đều thể hiện rõ tư tưởng về việc thưởng-phạt nhằm mục đích: thưởng để khuyến khích-phạt để răn đe. Từ đó "người có công phấn khởi mà người có tội biết răn chừa" như lời hoàng đế Minh Mạng.

Bên cạnh đó, việc thưởng phạt hợp lý cũng thể hiện đất nước có công bằng, có kỷ cương. Vua Minh Mạng cho rằng: "Phân biệt khen thưởng, để tỏ rõ tấm lòng của trẫm luôn nghĩ đến các quan binh phụng sự cần lao."

Thời đại quân chủ đã lùi xa, nhưng tính nghiêm minh trong cách thưởng-phạt; cách trọng dụng người tài, người có công; quan điểm đề cao chuẩn mực đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa… vẫn là những giá trị có sức sống bền vững lâu dài, cần được chắt lọc và bảo tồn trong cuộc sống hôm nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm thực hiện và căn dặn phải trọng dụng người tài, phát huy trí tuệ, năng lực, sở trường của cán bộ để xây dựng đất nước. Người từng nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài."

Người cho rằng, nhân tài không thiếu trong dân chúng, chỉ e Chính phủ không nghe, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Người cũng cho rằng phát hiện nhân tài không chỉ qua đào tạo ở trường hay tuyển chọn qua thi cử bằng cấp, mà còn phải tìm trong nhân dân.

Sau khi tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã đăng công thư trên báo Cứu quốc, giao Ủy ban hành chính các cấp tìm kiếm nhân tài ra giúp nước.

Chính phủ đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Nghị viện nhân dân bầu ra, bao gồm những người tài, đức, không phân biệt đảng phái chính trị, nguồn gốc xuất thân, miễn là vì dân, vì nước.

Cạnh tranh trong thu hút nhân tài

Nhìn rộng ra thế giới, thu hút nhân tài luôn là vấn đề được các quốc gia quan tâm. Nhiều nước cùng có chung thách thức trong việc thu hút và giữ chân người tài. Ủy ban Công vụ Australia cho hay, một thách thức mà nền công vụ nước này hiện phải đối mặt là tuyển dụng, thu hút, giữ chân nhân tài trong khu vực công, bởi ngay từ các cơ quan hành chính công cũng có sự cạnh tranh. Còn giữa khu vực công và khu vực tư thì sự cạnh tranh còn gay gắt hơn.

Tìm lời giải cho bài toán về thu hút và giữ chân nhân tài ảnh 3Các kỹ thuật viên kiểm tra hệ thống tưới tiêu và làm mát cho cây dâu tây tại Thái Lan. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Thái Lan cũng vậy, nhiều cơ quan hành chính nhà nước có nhu cầu tìm kiếm người tài trong lĩnh vực pháp lý nên công chức làm việc về pháp lý luôn "hot." Để thu hút thêm nhân sự có chuyên môn về pháp lý, các cơ quan phải cạnh tranh với nhau.

Thực tế cho thấy, sự lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất và sự cạnh tranh trong thu hút nhân tài cũng là cạnh tranh lớn nhất. Để tìm ra giải pháp giữ chân người tài, chuyên gia chính sách về nguồn nhân lực của Ủy ban Công vụ Thái Lan cho biết, họ phải nhìn ra nhân tài muốn gì để có chính sách thu hút.

Từ phân tích các lứa tuổi, nắm được lực lượng trong hệ thống công vụ, Ủy ban này đưa ra các chính sách phù hợp. Mỗi năm, Thái Lan dành 200-300 suất học bổng cho các nhân tài trẻ với yêu cầu học xong phải quay về làm việc trong nước.

Con đường rộng hơn để nước này thu hút nhân tài là thực hiện các chương trình ngắn hạn, tăng cường thi tuyển theo hình thức điện tử. Thái Lan hiện có 2 chương trình làm việc theo truyền thống (từ lúc thi vào đến khi về hưu) và mô hình thay thế (dựa trên hợp đồng với công chức).

Tuy nhiên, các chương trình này vẫn chưa thu hút nhân tài trẻ. Vì vậy, Thái Lan đang nghiên cứu các mô hình mới thu hút được nhân tài để nhà nước được hưởng lợi từ chuyên môn của họ.

"Chúng tôi coi người giỏi là một tập thể lớn, và cần có cơ chế, chính sách mới để thu hút người tài" - chuyên gia chính sách về nguồn nhân lực của Ủy ban Công vụ Thái Lan nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21) do Bộ Nội vụ Việt Nam chủ trì vào tháng 8 năm ngoái, ông Roger Tan - Trợ lý Giám đốc điều hành, Trường Công vụ Singapore, cho biết cách để Singapore tìm được nhân tài là thực hiện hệ thống luân chuyển cán bộ linh hoạt hơn trong hệ thống công chức. Cán bộ của bộ này có thể đi thực hiện chương trình, dự án ngắn hạn của bộ kia và thủ trưởng đơn vị được khuyến khích cho cán bộ đi luân chuyển.

Để duy trì nhân tài, Singapore cử cán bộ đi biệt phái ở khối tư nhân như các hãng hàng không, ngân hàng… trong thời gian 2 năm để họ học được những kỹ năng trong giới doanh nghiệp, sau đó có thể quay về cơ quan công quyền làm việc. Bất cứ ai làm việc trong bộ máy công quyền đều có thể đăng ký được định hướng công việc để tìm việc làm phù hợp, qua đó giúp họ có kỹ năng làm việc suốt đời.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức, thái độ và đạo đức công vụ tốt, thực thi công vụ hiệu quả, chuyên nghiệp là yêu cầu tất yếu hiện nay về đổi mới Chính phủ, đổi mới nền công vụ và quản trị công./.

Đón đọc bài 2: Để người tài không “dứt áo ra đi”

Bài 3: Dụng nhân như dụng mộc

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục