Tìm việc và sinh tồn ở đô thị: Bài toán khó của thanh niên Trung Quốc

Một nhiếp ảnh gia người Trung Quốc đã ghi lại câu chuyện của Yin Li, người đàn ông sinh ra trong một gia đình nông thôn, gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc tại thành phố lớn ở đất nước hơn 1 tỷ dân.
Tìm việc và sinh tồn ở đô thị: Bài toán khó của thanh niên Trung Quốc ảnh 1Yin Li khi tham dự một hội chợ việc làm tại Hợp Phì vào năm 2010. (Nguồn: China Daily)

Yin Li, một người đàn ông Trung Quốc, đã mất hơn 10 năm để thực hiện ước mơ của mình - định cư tại một thành phố lớn với một công việc tử tế và một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Nhiếp ảnh gia Wu Fang, người đã ghi lại những thay đổi trong cuộc đời Yin Li, chia sẻ rằng thông qua Yin Li anh muốn đưa ra lời khuyên bổ ích cho những sinh viên vừa tốt nghiệp, đang tìm kiếm việc làm.

Vào năm 2010, sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, Yin đã trải qua 5 công việc ở các thành phố khác nhau.

Đó không phải là một hành trình dễ dàng đối với người đàn ông sinh ra trong một gia đình nông thôn ở Thái Hồ, khu vực miền núi của thành phố An Khánh, tỉnh An Huy.

[Sinh viên Trung Quốc tìm kiếm 'giấc mơ ngoài nước Mỹ']

Chàng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật dân dụng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc. Anh thường phải đến những hội chợ việc làm, nơi các nhà tuyển dụng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe với mức lương thấp.

Mặc dù không liên quan đến chuyên ngành học của mình, nhưng công việc đầu tiên của Yin là nhân viên tại một công ty thiết kế nội thất, với mức lương hàng tháng là 600 Nhân dân tệ (83,78 USD).

Sau khi chi 150 Nhân dân tệ để thuê một căn phòng ở chung với người khác, anh chỉ còn lại 450 Nhân dân tệ để trang trải cho cuộc sống. Nhưng do mức lương thấp, nên 8 tháng sau, Yin đã bỏ việc.

Tìm việc và sinh tồn ở đô thị: Bài toán khó của thanh niên Trung Quốc ảnh 2Yin Li cảm thấy tương lai mù mịt tại thời điểm thuê 1 căn phòng chung. (Nguồn: China Daily)

Tháng 1/2011, Yin tìm được công việc tại một công ty chuyên về giàn giáo ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, với mức lương 1.700 Nhân dân tệ (hơn 234 USD)/tháng.

Nhưng công việc mới gây tiêu hao thể lực rất nhiều. Anh thường thức dậy vào khoảng 4 giờ sáng và hoàn thành công việc sau 7 giờ tối.

Trong thời gian này, anh vẫn không từ bỏ việc học và đã vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ xây dựng.

Với kinh nghiệm đã thu được, Yin có được công việc thứ ba tại một công ty bất động sản ở Hoàng Sơn, An Huy và thu nhập hàng tháng của anh tăng lên 4.250 Nhân dân tệ (hơn 586 USD).

Vào tháng 7/2014, Yin được một công ty đầu tư có trụ sở tại Hợp Phì tuyển dụng và chuyển đến Vu Hồ, An Huy để quản lý các dự án bất động sản của công ty.

Trong thời gian này, Yin gặp bạn gái của mình, nhưng giấc mơ sống ở thành phố lớn của anh vẫn chỉ là... một giấc mơ.

Để kiếm thêm tiền, anh trở thành nhân viên giám sát xây dựng cho China Evergrande Group. Lương của anh khi đó là gần 20.000 Nhân dân tệ (hơn 2.760 USD) mỗi tháng.

Năm 2018, Yin mua một chiếc ôtô và vay ngân hàng, mua trả góp một căn hộ chung cư. Năm 2019, anh kết hôn với bạn gái.

Năm 2020, Yin nghỉ việc tại China Evergrande Group và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.

Năm 2021, Yin và gia đình chuyển đến nơi ở mới. Hiện Yin dự định mua một căn hộ ở vị trí phù hợp hơn cho việc học của con trai.

"Từ câu chuyện của Yin, chúng ta có thể thấy sự chăm chỉ, không ngừng học tập đã thay đổi cuộc đời của một người đàn ông như thế nào," nhiếp ảnh gia Wu nói.

Tìm việc và sinh tồn ở đô thị: Bài toán khó của thanh niên Trung Quốc ảnh 3Những khó khăn mà Yin trải qua có thể coi là điển hình cho hoàn cảnh mà nhiều sinh viên Trung Quốc phải đối mặt khi bước ra ngoài xã hội. (Nguồn: China Daily)

Tuy nhiên câu chuyện thành công của Yin có thể không lặp lại với nhiều thanh niên Trung Quốc.

Theo Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, vấn đề việc làm của sinh viên đại học luôn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền các cấp ở nước này.

Nhưng số lượng sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học liên tục tăng trong vài năm qua và đạt mốc 11,58 triệu trong năm nay. Điều này đang gây áp lực vô cùng lớn lên thị trường việc làm, vốn đang khó khăn do nền kinh tế giảm tốc.

Đối với nhiếp ảnh gia Wu, những khó khăn mà Yin trải qua có thể coi là điển hình cho hoàn cảnh mà nhiều sinh viên Trung Quốc phải đối mặt khi bước ra ngoài xã hội. Và Wu hy vọng câu chuyện của Yin có thể truyền cảm hứng cho những sinh viên mới tốt nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục