Tín hiệu trái chiều giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc

Kinh tế Mỹ trong quý 3 vừa qua tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, có thể giảm xuống dưới 6% trong quý 4 này.
Tín hiệu trái chiều giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Kiểm đồng USD và đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế nước này trong quý 3 vừa qua tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 1,9% trong báo cáo tháng trước.

Dữ liệu hoàn chỉnh hơn về quý 3 năm nay cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư bất động sản tăng cao hơn giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới.

Trong lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc lên đỉnh điểm, kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 0,9%, cao hơn 0,2% so với báo cáo trước đó. Kim ngạch nhập khẩu cũng được điều chỉnh tăng 0,8%.

[Những lý do làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung]

Đầu tư vào bất động sản tăng 5,1%, mức cao nhất trong 2 năm, nhờ lãi suất thấp. Lĩnh vực tiêu dùng tăng 2,9%, với mức tăng chi mạnh vào hàng hóa sử dụng lâu dài như ôtô, đồ gia dụng.

Trong khi đó, đầu tư kinh doanh, cũng bị tác động bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đã giảm 2,7%, thấp hơn so với mức 3% ước tính hồi tháng trước.

Cùng ngày, nhà nghiên cứu đặc biệt của Quốc vụ viện Trung Quốc, Yao Jingyuan dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể giảm xuống dưới 6% trong quý 4 này và thậm chí cả năm tới do kinh tế trong nước đối mặt với “những thách thức lớn nhất từ trước tới nay."

Trong quý 3 vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng 6%, mức tăng trưởng kém nhất trong 27 năm, giữa lúc tranh chấp thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới và các nhà đàm phán hai nước chưa đạt được thỏa thuận chấm dứt căng thẳng.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 trong khoảng 6-6,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục