Theo Tạp chí Chính trị Thế giới, nếu kế hoạch diễn ra như đã định thì cuối tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, một sự kiện mà ông Trump gọi là “thỏa thuận lớn nhất và tuyệt vời nhất từ trước tới nay trong lịch sử nước Mỹ dành cho những người nông dân yêu nước vĩ đại.”
Hai nhà lãnh đạo đã dự kiến sẽ gặp nhau ở Santiago, Chile, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Tuy nhiên, vì biểu tình diễn ra trên khắp các đường phố Chile do người dân ở đây bất bình với chính sách kinh tế và tình trạng bất bình đẳng cho nên Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera, đã phải tuyên bố hồi cuối tháng trước là hủy tổ chức sự kiện này do phải tập trung ưu tiên cho việc thiết lập lại trật tự, an ninh xã hội cũng như hòa bình của đất nước này.
Nhưng trong khi việc chốt và ký cái gọi là thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 hiện chưa rõ sẽ ra sao thì chính nội dung thỏa thuận đó cũng ngày càng trở nên mông lung.
[Chưa thấy triển vọng cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung 'giai đoạn 2']
Ông Trump lúc nào cũng đi trước một bước các đối tác đàm phán của mình trong việc ngợi ca thỏa thuận thương mại này và tuyên bố mọi thứ đã sẵn sàng để ký kết. Thế nhưng, thực ra nhiều trở ngại vẫn còn đó. Việc Hội nghị Thượng đỉnh ở Santiago bị hủy đã khiến việc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trở nên phức tạp vì hai vấn đề sau.
Vấn đề thứ nhất và rõ rệt nhất chính là việc hủy tổ chức sự kiện này lại tháo gỡ áp lực các bên phải đạt được thỏa hiệp để đưa ra một thời hạn ký kết cụ thể. Thứ hai, điều đó cũng lại đặt ra một vấn đề nữa cần phải đưa vào đàm phán là sẽ chọn địa điểm ký kết ở đâu.
Tuần trước, ông Trump gợi ý rằng ông hy vọng có thể tiến hành ký kết ở Mỹ, chẳng hạn như bang Iowa là một lựa chọn. Giới quan sát cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình rất có thể cũng nhất trí phương án đó bởi mối quan hệ từ lâu của ông đối với bang này. Ông Tập Cận Bình đã tới thăm bang Iowa hai lần, lần đầu tiên vào năm 1985 khi ông là thành viên đoàn đại biểu nông nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia đàm phán phía Trung Quốc cũng hiểu rằng nếu ký kết ở Iowa thì tình hình quá có lợi cho ông Trump về mặt chính trị vì đây là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến thương mại và bởi mức thuế quan trả đũa của Bắc Kinh đánh vào đậu tương và các nông sản khác của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Nếu ông Tập Cận Bình tới Mỹ để ký kết thỏa thuận thương mại thì đó sẽ là một bước thỏa hiệp về chính trị cho nên ông đương nhiên muốn mình đánh đổi thì cũng phải nhận được cái gì đó.
Chính vì vậy, dù không rõ cả hai bên có thảo luận trước hay không, nhưng khi ông Trump gợi ý địa điểm đàm phán ở Iowa thì nhiều nguồn tin cho biết, phía Bắc Kinh muốn thỏa thuận thương mại lần này sẽ bao gồm cả việc ngừng áp một số loại thuế quan đã áp dụng đối với hàng Trung Quốc từ trước chứ không chỉ là chuyện hủy những loại thuế sẽ áp vào giữa tháng 12 tới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD.
Sự phức tạp nhỏ về thời điểm cũng như địa điểm đàm phán thực ra lại bộc lộ những bất đồng về thực chất cuộc đàm phán ở mức sâu xa hơn nhiều những gì giới quan sát lúc đầu đánh giá.
Khi ông Trump tuyên bố về thỏa thuận giai đoạn 1 vào ngày 11/10 sau cuộc họp tại phòng Bầu dục với người đứng đầu đoàn đàm phán phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, ông có ý cho rằng các chuyên gia của Mỹ và Trung Quốc chỉ cần điều chỉnh một số chi tiết cụ thể là mọi thứ sẵn sàng và hai bên có thể ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Chile.
Trong tuyên bố đầy hứng khởi của mình dự báo thành công đột phá này, ông Trump khẳng định Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ trong hai năm tới, nhiều gấp đôi mức Trung Quốc đã mua của Mỹ ở thời điểm trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại.
Trong lúc muốn chứng tỏ thành công của mình cho những nông dân Mỹ, những người sẽ là cử tri đi bỏ phiếu Tổng thống vào năm tới thấy được, dường như ông Trump đã nói quá lên những gì mà phía Bắc Kinh cam kết sẽ thực hiện.
Những tuyên bố quá lời của ông Trump về cam kết của Trung Quốc hiện lại đang là khúc mắc chính trong đàm phán. Theo tờ Wall Street Journal, các chuyên gia đàm phán phía Trung Quốc không muốn chi tiền mua nông sản Mỹ thông qua thỏa thuận có ràng buộc pháp lý.
Hãng tin Bloomberg cho biết các quan chức Trung Quốc nói rằng họ hy vọng số lượng nông sản họ sẽ mua của Mỹ năm tới sẽ bằng với số lượng họ đã mua những năm trước, nhưng nhiều khả năng sẽ không mua vượt quá ngưỡng đó.
Một vấn đề nữa cũng là trở ngại chính trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào là có nên hủy bỏ những loại thuế quan hiện đã áp dụng không. Ngoài việc yêu cầu Mỹ không áp thêm 15% thuế lên 160 tỷ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 12 tới, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi, điện thoại di động và hàng điện tử, Bắc Kinh hiện cũng đang yêu cầu Washington dỡ bỏ 15% thuế đã áp lên 110 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ hồi tháng Chín.
Tuy nhiên, yêu cầu đó của Trung Quốc hiện cũng vấp phải hai trở ngại. Thứ nhất, nhìn chung ông Trump rất ưa đánh thuế và thứ hai là các nhà đàm phán phía Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng những thỏa hiệp của phía Trung Quốc chưa đủ để Mỹ thấy cần phải hủy bỏ thêm thuế quan đã đánh vào hàng Trung Quốc.
Khi một số thông tin lan truyền rằng khả năng hủy bỏ một số loại thuế áp lên hàng Trung Quốc từ tháng Chín có thể được đưa ra đàm phán và thỏa thuận trong lần này thì ông Trump đã lên tiếng nhấn mạnh rằng ông chưa đồng ý hủy các loại thuế mà Trung Quốc đề nghị hủy đó.
Để thấy được những phức tạp xung quanh vấn đề này thì người ta có thể nhìn vào sự bất đồng ý kiến được bộc lộ từ chính các cố vấn của ông Trump trong việc giải quyết vấn đề thuế quan này như thế nào hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Các cố vấn theo chủ trương “diều hâu” đối với Trung Quốc mà đứng đầu là Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, ông Peter Navarro, không đồng ý hủy bỏ bất kỳ loại thuế nào đối với Trung Quốc. Các cố vấn ôn hòa hơn như ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, lại khá quan ngại về những ảnh hưởng của mức thuế quan cao đối với chính nền kinh tế Mỹ và ông tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp vấn đề này.
Đằng sau cuộc tranh luận thuế quan còn có một cuộc tranh luận khác xung quanh vấn đề những thỏa hiệp mà phía Trung Quốc cam kết đã đủ tới mức để Mỹ dỡ bỏ bớt thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc hay chưa.
Nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đã cam kết sẽ giải quyết vấn nạn ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ trong thỏa thuận hai bên đang đàm phán. Thế nhưng Trung Quốc đã thông qua một luật mới chống đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ từ hồi đầu năm và đã thành lập các tòa án đặc biệt để thực thi luật này, vậy thì đâu là thỏa hiệp mới? Còn việc thực thi luật mới một cách đầy đủ, nghiêm túc thì lại không phải là thứ để có thể đưa vào thỏa thuận thương mại.
Nguồn tin của hãng Bloomberg cho hay một yếu tố nữa đã được đưa vào đàm phán thương mại Mỹ-Trung là vấn đề chống thao túng tiền tệ, nhưng vấn đề đó khá giống với những gì cả Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí từ trước đó với tư cách là các nước thành viên G20.
Cũng có nguồn tin cho rằng Trung Quốc đã đồng ý bỏ hạn mức trần số cổ phiếu các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua của các công ty tài chính, nhưng quyết định đó Trung Quốc cũng đã tuyên bố từ trước. Như vậy, thứ mà phía Mỹ có thể đạt được chỉ là các quy định, luật lệ của Trung Quốc sẽ có hiệu lực và được thực thi sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký.
Có lẽ cuối cùng thì Trung Quốc sẽ tránh được khoản thuế quan Mỹ định áp vào hàng Trung Quốc trong tháng 12 tới, còn Chính quyền của ông Trump cũng sẽ có được cam kết của Trung Quốc trong việc cải tổ nền kinh tế của họ và tiếp tục mua nông sản của Mỹ, cộng với một số cam kết không rõ ràng của phía Bắc Kinh rằng sẽ mua số lượng nhiều hơn.
Đây mới là giai đoạn đầu trong đàm phán, do đó không nên trông đợi “Giai đoạn 2” sẽ diễn ra trừ khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống. Người ta đặt câu hỏi vậy mục đích của cuộc chiến thương mại này là gì?
Trả lời hãng tin Bloomberg, bà Wendy Cutler, cựu quan chức chuyên đàm phán thương mại của phía Mỹ, nói: “Hiển nhiên họ đã đánh cược và rõ ràng họ để cho lợi ích nước Mỹ bị tổn hại bằng chính các loại thuế quan.”
Câu chuyện dài kỳ này đã diễn ra từ lâu. Cuối tháng Sáu vừa qua, ông Trump và ông Tập dường như đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” ở Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka, nhưng hai tháng sau ông Trump lại quay lưng lại thỏa thuận đó, bởi ông không hài lòng với tiến độ cuộc đàm phán thương mại, kể cả tiến độ nhập khẩu đậu tương và nông sản Mỹ của Trung Quốc.
Giờ đây khi sắp bước vào năm bầu cử, cách ứng xử của ông có thể sẽ khác. Tuy nhiên, nếu ông Trump dỡ bỏ thuế quan đang áp lên hàng Trung Quốc mà chỉ nhận lại quá ít thỏa hiệp từ phía Trung Quốc, thì phải chăng biện pháp thuế quan mà ông luôn ca ngợi bấy lâu nay là sai lầm?
Không loại trừ khả năng thay vì hai bên cuối cùng đạt được thỏa thuận, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ lại tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi, thậm chí còn leo thang với nhiều phương thức "ăn miếng trả miếng," bất chấp cái giá mà người tiêu dùng phải chịu và những rủi ro xảy đến đối với toàn bộ nền kinh tế của Mỹ./.