Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định lại 4 trụ cột kinh tế phát triển

Tỉnh đề ra 4 đột phá phát triển đến 2030 gồm tập trung hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với Đông Nam Bộ; lập khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực...
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định lại 4 trụ cột kinh tế phát triển ảnh 1Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Chiều 31/5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, địa phương phấn đấu xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước; đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Tỉnh xác định lại 4 trụ cột kinh tế phát triển của địa phương cho giai đoạn sau năm 2025. Không gian các hoạt động kinh tế-xã hội được tổ chức theo 4 vùng chức năng gồm ba vùng lãnh thổ trên đất liền và một vùng biển-hải đảo; hình thành ba trục kinh tế động lực. Đó là, vùng chức năng công nghiệp-cảng biển với trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; vùng chức năng du lịch và đô thị biển với trục động lực kinh tế du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh; vùng biển và hải đảo bao gồm vùng không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo.

Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu, thời kỳ 2021-2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trưởng bình quân khoảng 8,1-8,6%/năm; GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đến năm 2030 đạt khoảng 18.000-18.500 USD.

Đến năm 2050, tỉnh là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời, là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ. Địa phương phấn đấu giai đoạn 2031-2050, GRDP tăng trưởng bình quân từ 6,5-7%/năm; đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đạt 55.000-58.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt trên 70%.

[Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia]

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra 4 đột phá phát triển gồm đến năm 2030, tập trung hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi tỉnh với vùng, cả nước và quốc tế, để Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia; thành lập các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.

Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương phát triển đô thị cảng Phú Mỹ hiện đại với hệ thống cảng biển đặc biệt quốc gia, trung chuyển quốc tế; trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.

Địa phương đặt mục tiêu thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế; hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Đầu tư gần 12.000 tỷ đồng tuyến đường kết nối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết đã thông qua chủ trương đầu tư gần 12.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trên địa bàn.

Cụ thể, tuyến đường kết nối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ Quốc lộ 56 đến Vũng Vằn với chiều dài gần 6,8 km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí hơn 6.700 tỷ đồng. Trong số đó, ngân sách tỉnh sẽ bố trí khoảng 1.900 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Số còn lại sẽ được bố trí sau 2025.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định lại 4 trụ cột kinh tế phát triển ảnh 2Cơ quan chức năng bàn giao ranh mốc để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Còn tuyến đường kết nối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ Vũng Vằn đến đường DT994 với chiều dài gần 6,9 km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí gần 5.200 tỷ đồng. Trong số đó, ngân sách tỉnh sẽ bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Số còn lại sẽ được bố trí sau 2025.

Cả hai dự án dự kiến sẽ được triển khai đầu tư, thi công từ năm 2023 đến năm 2027.

Ngoài ra, kỳ họp cũng thông qua nội dung sẽ khởi công 2 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 2.292,5 tỷ đồng trong năm 2023 gồm: xây dựng mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp mở rộng đoạn từ ngã ba Lò Vôi đến Khu du lịch Thùy Dương; nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 994 đoạn từ khu du lịch Trung Thủy đến Quốc lộ 55./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục