Tỉnh Cà Mau tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Hiện nay, nhiều địa phương vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, tỉnh đang tìm giải pháp nhằm từng bước gỡ khó cho nông dân.
Tỉnh Cà Mau tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân ảnh 1Thu hoạch lúa Hè Thu sớm. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Hiện nay, nhiều địa phương vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang bước vào giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vấn đề tìm đầu ra cho các loại nông sản được dự đoán sẽ rất khó khăn.

Trước vấn đề đặt ra, tỉnh Cà Mau đang tìm giải pháp nhằm từng bước gỡ khó cho nông dân.

Vụ lúa Hè Thu năm nay, tỉnh Cà Mau xuống giống trên 35.300ha, đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều địa phương thu hoạch. Ông Dương Minh Sang, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời thông tin, theo đánh giá chung năng suất lúa thu hoạch trên địa bàn khoảng 5,2 tấn/ha, cao hơn mọi năm.

Do thời tiết đầu vụ có mưa kéo dài nên bà con gieo sạ lúa không tập trung giữa các cánh đồng nên việc thu hoạch lúa sẽ kéo dài, không đồng loạt, cũng thuận lợi cho máy cắt cũng như thương lái thu mua lúa.

"Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xã đã liên hệ hợp tác với nhiều công ty, doanh nghiệp ở các địa phương khác để chủ động trong việc thu mua lúa. Nếu việc vận chuyển và thu mua lúa của bà con được thuận lợi, vụ Hè Thu này sẽ khả quan,” ông Dương Minh Sang chia sẻ.

Theo phản ánh của người dân, họ rất lo lắng dịch COVID-19 sẽ khiến cho khâu vận chuyển hàng hóa thiết yếu gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu mua, vận chuyển lúa.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi hội Nông dân Ấp 1/5, xã Khánh Bình, cho biết hiện giá lúa được thu mua từ 5.200-5.500 đồng/kg, cao hơn mọi năm. Mặc dù các chi phí dành cho phân, thuốc… tăng cao nhưng nông dân vẫn có lãi. Hy vọng, vào cao điểm thu hoạch tới đây, việc mua bán, vận chuyển lúa được thuận lợi, nông dân cũng yên tâm tái đầu tư vào vụ mùa tiếp theo.

[Cà Mau giữ ổn định diện tích 280.000ha nuôi tôm, nâng cao chất lượng] 

Tại xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, vụ lúa năm nay xã có hơn 1.100 ha chuyên lúa, bên cạnh đó là 180ha lúa-tôm năng suất cao. Vấn đề đảm bảo quá trình thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đạt hiệu quả cao đang được ngành chức năng địa phương tích cực tìm giải pháp.

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lý Văn Lâm Trần Quyết Toán chia sẻ, Ủy ban Nhân dân xã đã tăng cường tuyên truyền cho người dân thu hoạch từng khu vực, tránh thu hoạch đồng loạt. Từ đó, dẫn đến vượt khả năng vận chuyển, chế biến, gây tồn đọng, giảm giá thành.

Mặc dù chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân an tâm sản xuất, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn, ấp Ông Muộn cho biết hiện hợp tác xã còn tồn hơn 60 tấn gạo. Ngoài ra, các sản phẩm khác của xã viên như tôm, cua… đều giảm giá.

Thực tế, sự khó lường của dịch bệnh đã khiến cho nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn đầu ra, thế nhưng nghịch lý là hiện giá cây, con giống cũng như vật tư nông nghiệp đang tăng. Vấn đề này, theo ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời, qua rà soát từ đầu năm đến nay giá phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Thức ăn cho cá bổi, cho tôm tăng từ 10-15%... đã dẫn đến chi phí nuôi trồng tăng cao.

Do vậy, nếu đầu ra cho sản phẩm không thuận lợi sẽ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người dân. Vì vậy, để hỗ trợ nông dân, đơn vị đã phối hợp với các hợp tác xã, các công ty, tập đoàn ngoài tỉnh tạo điều kiện ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con khi vào vụ thu hoạch. Các thương lái đang tiến hành đặt cọc với giá thu mua lúa tương đương cùng kỳ.

Ông Duy Quốc Tuấn thông tin thêm để ổn định đầu ra, nhất là rau màu phục vụ cuối năm, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo bà con nên chọn loại phù hợp với thị trường tiêu thụ, tránh trồng đồng loạt cùng một sản phẩm sẽ gây khó về đầu ra.

Riêng cá bổi, huyện có hơn 100ha nuôi thâm canh và sẽ tập trung thu hoạch vào khoảng cuối tháng 12 năm nay. Nhưng do hiện tại nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề vận chuyển, tiêu thụ được dự báo sẽ khó khăn.

Tỉnh Cà Mau tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân ảnh 2Thu hoạch tôm ở Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cập nhật các quy định trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa ra vào tỉnh Cà Mau cả đường bộ và đường thủy. Đồng thời, liệt kê các quy định cần thiết cho các công ty, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ lúa Hè Thu của nông dân.

Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đưa thông tin hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn cung ứng lúa Hè Thu lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tăng cường công tác kết nối cung cầu, liên kết sản xuất tiêu thụ lúa cho nông dân.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau thông tin vào thời điểm hiện nay, lúa của bà con đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nên lượng phương tiện của các doanh nghiệp tập trung về thu mua nhiều.

Do đó, Cà Mau đã tính toán sẵn sản lượng từng khu vực, lịch thời vụ thu hoạch… đảm bảo thành một đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua. Vì vậy, chỉ cần phương tiện của doanh nghiệp đến là có hàng chở đi ngay. Điều này vừa quản được lượng phương tiện vào địa phương; đồng thời cũng nắm bắt được giá cả thu mua, không để nông dân bị ép giá trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, Cà Mau tổ chức kết nối giữa nguồn cung và cầu, giữa các lĩnh vực với nhau, căn cứ vào thị trường để không gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng. Các vùng sản xuất nguyên liệu được rà soát kỹ lưỡng, kịp thời nắm bắt các điểm nghẽn trong lưu thông, tiêu thụ. Nỗ lực cao nhất là bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân, duy trì sản xuất của doanh nghiệp, thông suốt cho hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục