Ngày 22/3, giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên khi Libya, nước có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi, tiếp tục rung chuyển vì chiến sự.
Sang ngày 23/3 tại châu Á, giá dầu đã quay đầu giảm nhẹ, tuy nhiên theo các nhà phân tích, sự đi xuống này chỉ là tạm thời và tình trạng bất ổn ở Trung Đông vẫn duy trì xu hướng giá dầu đi lên trên thị trường.
Chiều 23/3 tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5/2011 giảm 26 xu xuống 104,71 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giảm 41 xu xuống 115,29 USD/thùng.
Các cuộc xung đột ở Libya tiếp tục chi phối các thị trường thế giới, sau khi sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày của nước này giảm hơn 3/4 xuống chỉ còn 400.000 thùng/ngày.
Hank Lim, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Quan hệ quốc tế Singapore, cho rằng các cuộc không kích của liên quân nhằm vào lực lượng đại tá Gadhafi có thể khiến giá dầu biến động mạnh. Hiện nay, liên quân tiếp tục gây sức ép đòi lực lượng của đại tá Moamer Gadhafi thực hiện lệnh ngừng chiến, nhưng người ta vẫn chưa nhìn thấy kết cục rõ ràng cho tình hình rối ren này.
Ong Yi Ling, nhà phân tích đầu tư của công ty Phillip Futures, cho biết giới đầu tư hiện nay đều cho rằng nguồn cung dầu mỏ của Libya sẽ không sớm trở lại thị trường.
Theo khảo sát của ngân hàng Barclays Capital, dầu mỏ cùng với ngũ cốc sẽ là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong năm nay do giới đầu tư đều đặt cược vào khả năng gián đoạn nguồn cung.
Kevin Norrish, Giám đốc điều hành của ngân hàng Barclays Capital, cho biết những mối đe dọa thực sự hiện nay là thời tiết ngày càng khắc nghiệt và các vấn đề địa chính trị, đó là lý do khiến dầu mỏ và ngũ cốc sẽ là những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.
Giá dầu đã tăng 14% trong năm nay do tình trạng bất ổn tại Tunisia và Ai Cập đã lan sang Libya, Yemen, Bahrain và Syria.
Trong khi đó, theo nghiên cứu công bố ngày 22/3 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc giá dầu tăng cao có thể khiến tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến giảm 0,5 điểm phần trăm vào năm 2012, đồng thời đẩy lạm phát tăng 0,75 điểm phần trăm./.