Tình hình ngày đầu các địa phương đón học sinh đi học trở lại

Ngày 4/5, hàng chục triệu học sinh các cấp học ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đi học trở lại sau thời gian dài tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19.
Niềm vui của các em học sinh trường Trung học cơ sở Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) trong ngày đi học trở lại. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Niềm vui của các em học sinh trường Trung học cơ sở Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) trong ngày đi học trở lại. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ngày 4/5, học sinh nhiều tỉnh, thành phố đã đi học trở lại sau thời gian dài tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19.

Hòa Bình: Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, từ ngày 4/5, học sinh thuộc các khối trung học cơ sở, trung học phổ thông còn lại và học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình đi học trở lại.

Trước đó, ngày 27/4, học sinh khối 9 và khối 12 trong toàn tỉnh đã đi học trở lại. Học sinh tiểu học và trẻ mầm non sẽ đi học trở lại vào ngày 11/5/2020.

Tình hình ngày đầu các địa phương đón học sinh đi học trở lại ảnh 1Nghi thức chào cờ thực hiện tại lớp của học sinh trường Trung học cơ sở Sông Đà (tỉnh Hòa Bình). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết ngày 4/5, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu và số lượng học sinh trong một lớp học theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh thời gian tới, ngành giáo dục cầm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hòa Bình về phòng, chống dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, có các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, tỉnh hiện có 290 trường học thuộc các khối trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, với tổng số 81.689 học sinh.

Các trang thiết bị y tế như máy đo thân nhiệt, nhiệt kế, nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang cơ bản được trang bị đầy đủ. Các trường có học sinh trở lại lớp đều tuân thủ các điều kiện tuyệt đối an toàn, tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, tổ chức sinh hoạt tập thể, chào cờ tại lớp bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho học sinh theo đúng hướng dẫn của các ngành giáo dục và y tế, vào đầu giờ mỗi buổi học, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống loa nhà trường về các quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang trong suốt thời gian đến lớp, sử dụng nước uống riêng, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt...

Ngoài ra, các trường học cũng phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức phun khử khuẩn lớp học, phòng nội trú, lau khử khuẩn lan can cầu thang, tay nắm cửa, vệ sinh khuôn viên trường học... đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.

Ninh Bình: Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường, từ ngày 4/5, ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình sẽ thành lập nhiều đoàn kiểm tra các trường học tại địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại thành phố Ninh Bình, trong ngày 4/5, Phòng Giáo dục thành phố Ninh Bình đã thành lập 3 đoàn kiểm tra 47 trường học gồm các trường mầm non, tiểu học và trung học phổ thông trên địa bàn.

Ông Đinh Xuân Cấp - Phó trưởng phòng Giáo dục thành phố Ninh Bình, cho biết trong ngày 4/5, học sinh từ 5 tuổi trở lên đến lớp đạt trên 90%. Qua kiểm tra tại một số trường cho thấy các trường học đã làm tốt công tác phối hợp cùng phụ huynh học sinh kiểm tra đo thân nhiệt cho 100% học sinh đến trường; trang bị nước sát khuẩn tại các lớp học; đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch; sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch khi xảy ra tình huống phát sinh…

Tình hình ngày đầu các địa phương đón học sinh đi học trở lại ảnh 2Học sinh trường Mầm non Thúy Sơn, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình học cách rửa tay phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Một số trường đã có nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh như yêu cầu học sinh mang nước đi học để đảm bảo an toàn, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc kiểm tra sức khỏe học sinh. Đặc biệt, đối với các trường học tổ chức ăn bán trú, Phòng yêu cầu các trường phải đảm bảo đủ các điều kiện an toàn cho học sinh khi ăn uống tại trường.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, trong ngày 4/5, toàn tỉnh có trên 178.300 học sinh các cấp, học viên các trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tại 484 cơ sở giáo dục đến trường.

Ông Đỗ Văn Thông - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19, các trường đã chủ động tuyên truyền, tập huấn và chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Trong tuần đầu tiên học sinh từ lớp mầm non 5 tuổi trở lên đi học trở lại, Sở sẽ thành lập 3-4 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác dạy, học và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số trường học.

Đối với các trường tổ chức ăn bán trú, Sở yêu cầu phải có cam kết giữa nhà trường, phụ huynh và các đơn vị cung ứng thực phẩm cũng như thực hiện đầy đủ các phương án, giải pháp để phòng, chống dịch bệnh giúp học sinh yên tâm đến trường

Bình Định: Ngày 4/5, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đón trên 170.000 học sinh đi học trở lại sau hơn 3 tháng nghỉ học để phòng dịch COVID-19. Đây là hai bậc học có thời gian nghỉ tránh dịch dài nhất. Trong đó, bậc tiểu học có khoảng 140.000 học sinh đến trường (đạt 99,5%), bậc học mầm non có hơn 46.000 học sinh (đạt 74,5%).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn cho biết trước ngày đón học sinh đi học trở lại, tất cả các trường đều triển khai thường xuyên công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đảm bảo môi trường học tập an toàn theo quy định.

Vào ngày đầu đi học trở lại các trường học đã phối hợp với ngành y tế đo thân nhiệt, kiểm tra tình trạng sức khỏe, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang y tế trong lớp học và thực hiện giãn cách học sinh, đảm bảo khoảng cách học sinh cách nhau 1m.

“Hiện nay, tất cả học sinh bậc học trên địa bàn tỉnh Bình Định đều đã đi học trở lại, việc dạy học diễn ra bình thường, an toàn. Tỷ lệ học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đến lớp đạt cao 99,7%. Riêng ở bậc học mầm non, vào ngày đầu tiên trở đi học trở lại, tỷ lệ trẻ đến lớp chỉ đạt 74,5% do nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa đạt các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa được mở lớp học bán trú. Trong tuần này, ngành giáo dục sẽ phối hợp với chính quyền các huyện thị, thành phố, tích cực hỗ trợ các trường mầm non đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 để mở lại các lớp học bán trú như bình thường” - ông Đào Đức Tuấn chia sẻ.

Ninh Thuận: Ngày 4/5, tất cả học sinh các khối Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại Ninh Thuận đã đi học trở lại sau thời gian nghỉ học phòng, chống dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn cho học sinh về phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất giải pháp dạy học cách nhật cho học sinh đối với những cơ sở giáo dục có số học sinh/lớp đông, thay vì thực hiện được giãn cách theo quy định.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Huệ Khải cho biết ở các cơ sở giáo dục miền xuôi, có nhiều trường, lớp có học sinh học đông. Theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thống nhất phương án trình của Sở về dạy học cách nhật cho học sinh trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn mới về quy định giãn cách.

Những ngày không học trên trường, học sinh sẽ học tập tại nhà bằng hình thức học trực tuyến và học trên truyền hình, đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Đối với những cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đảm bảo được khoảng cách theo quy định thì vẫn tiến hành học bình thường.

Tình hình ngày đầu các địa phương đón học sinh đi học trở lại ảnh 3Học sinh trường trung học cơ sở Trần Phú, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) được học cách nhật để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Nguyễn Huệ Khải cho biết thêm, hiện nay các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động ưu tiên bố trí phòng học, giáo viên giảng dạy trực tiếp cho học sinh lớp 9 và lớp 12 để hoàn tất chương trình học, kịp thời chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, chuẩn bị công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phương án cho học sinh đi học trở lại sau khi nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19, trong ba ngày 27-29/4, học sinh khối 12 hệ giáo dục thường xuyên và khối 9, khối 12 hệ giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được đi học trở lại.  Học sinh khối 9 đến lớp học đạt 95,97%; học sinh khối 12 đến lớp học đạt 96,77%

Đắk Lắk: Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, các trường đều bố trí giáo viên làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn tay cho học sinh trước khi vào lớp. Ngoài ra, phụ huynh cũng ký xác nhận nhiệt độ của con em mình để cùng nhà trường theo dõi tình hình sức khỏe cho các em.

Theo bà Mai Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột: Công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại được các trường triển khai theo đúng hướng dẫn, đặc biệt chú trọng ở các cấp học Mầm non, Tiểu học.

Trước khi đón học sinh quay lại trường, các cơ sở giáo dục đã tổ chức vệ sinh, khử khuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt dụng cụ học tập và đồ chơi của cấp học Mầm non. Để thực hiện đúng yêu cầu về giãn cách xã hội, các trường bố trí không quá 30 học sinh/lớp; cấp Tiểu học, Trung học cơ sở chia đôi lớp học để học lệch buổi, các trường bán trú tạm dừng 1 tuần để có kế hoạch triển khai phù hợp cho các tuần tiếp theo.

Ông Lương Minh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: Tại Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Cư Kbang, huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có gần 600 học sinh (trong đó có 97% học sinh dân tộc thiểu số) đã đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, nhà trường tiến hành đo thân nhiệt, yêu cầu học sinh rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch theo hướng dẫn. Là trường ở vùng sâu, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nên trong tuần đầu đi học trở lại nhà trường chủ yếu giảng dạy, ôn tập lại kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: Do đặc thù có nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc nghỉ học dài ngày sẽ ảnh hưởng đến số lượng học sinh đi học lại trong thời gian đầu.

Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở trực thuộc, bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu về phòng chống, dịch bệnh khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường cần nhanh chóng rà soát số lượng học sinh vắng mặt, tìm hiểu nguyên nhân để phối hợp với chính quyền địa phương vận động các em trở lại trường học.

Nhà trường cũng chú trọng việc ôn tập, phụ đạo đối với học sinh yếu, kém ở các vùng sâu, vùng xa, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các em theo kịp chương trình giảng dạy sau thời gian nghỉ học kéo dài do dịch bệnh.

An Giang: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19, sáng 4/5, tất cả 531 trường với 363.638 học sinh từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên ở tỉnh An Giang bắt đầu trở lại lớp.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại, những ngày qua, ngành giáo dục tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và phòng các bệnh mùa nắng nóng. Tất cả các trường đã tổ chức tổng vệ sinh, lau chùi bàn ghế, phòng học, sắp xếp chỗ ngồi, đảm bảo quy định về giãn cách.

Các trường bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế đo thân nhiệt cho 100% học sinh, cán bộ, giáo viên trước khi vào lớp học; hướng dẫn học sinh vào lớp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…

Trước đó, ngày 28/4, học sinh khối 9 và khối 12 trong toàn tỉnh và học viên các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tại An Giang đã đi học trở lại. Các trường trang bị thêm bồn rửa tay, nhiệt kế cầm tay, dung dịch sát khuẩn, xà phòng rửa tay… để phòng, chống dịch bệnh.

Cà Mau: Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, toàn tỉnh có 68.018 học sinh tiểu học, 27.139 học sinh mầm non. Trong buổi sáng 4/5, học sinh tiểu học đến trường đạt 94,77% và học sinh mầm non đến trường đạt 67,60%.

Hầu hết, các em trở lại trường với tâm trạng vui tươi, phấn khởi. Em Nguyễn Bình Phương My, lớp 5C, Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8, thành phố Cà Mau) vui mừng nói, hôm nay được trở lại trường em thấy vui lắm vì được gặp thầy cô, bạn bè. Khi vào trường, em được cô chủ nhiệm hướng dẫn thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đúng cách. Tuy chưa quen việc đeo khẩu trang trong thời gian học nhưng em cố gắng thực hiện thật tốt để phòng, chống dịch COVID-19.

Tình hình ngày đầu các địa phương đón học sinh đi học trở lại ảnh 4Tiết học môn tin học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (phường 8, thành phố Cà Mau ) vào ngày 4/5/2020. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Thầy giáo Nguyễn Kim Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, cho biết sáng 4/5, số học sinh đến trường đạt trên 98%. Do thời gian tạm nghỉ học khá dài nên nhà trường phải tổ chức ôn lại bài để củng cố kiến thức cho các em.

Bên cạnh đó, nhà trường còn bố trí khu vệ sinh thân thiện, khu luyện tập thể dục-thể thao, hồ bơi để giúp các em rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe. Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đề xuất cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng thêm 8 phòng học để kéo giãn sĩ số học sinh/lớp xuống. Hiện tại trường bình quân có 42 em/phòng học.

Các trường mầm non ở Cà Mau được phép bố trí cho trẻ học bán trú, học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn trưa cho trẻ. Theo cô Cao Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm (Phường 5, thành phố Cà Mau), để đón 486 trẻ trở lại trường học vào ngày 4/5, nhà trường đã tổ chức vệ sinh khử khuẩn tất cả các phòng học, bếp ăn, nhà vệ sinh, thiết bị phục vụ dạy học...; bố trí dụng cụ đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn tại khu vực ra vào cổng trường.

Ngoài ra, nhà trường thực hiện tốt việc bố trí cho trẻ mầm non học bán trú, học 2 buổi/ngày theo quy định của ngành Giáo dục, vừa góp phần phòng, chống dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh an tâm công tác, lao động sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục