Theo báo "Liên hợp Buổi sáng", trong 2 tuần đầu của năm mới 2022, Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ phóng tên lửa.
Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Chu kỳ giảm căng thẳng tình hình bán đảo Triều Tiên - được khởi động từ Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang năm 2018 - dường như đã kết thúc.
Mỹ và Triều Tiên bước vào chu kỳ đối kháng phát triển tên lửa hạt nhân và trừng phạt mới.
Kể từ sau thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên năm 2019, "cánh cửa" hòa hoãn trên Bán đảo Triều Tiên có xu hướng khép lại, Mỹ và Triều Tiên duy trì sự ổn định của cục diện bằng cách không chạm vào “lằn ranh đỏ” mà mỗi bên vạch ra.
Bán đảo Triều Tiên cơ bản vẫn ở trong chu kỳ hòa hoãn. Sau khi Triều Tiên tuyên bố “phóng thử nghiệm cuối cùng” tên lửa siêu vượt âm ngày 11/1, Mỹ tái khởi động các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, và chỉ trong vòng 1 tuần sau đó, Triều Tiên đã thực hiện 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Chu kỳ mới của đối kháng Mỹ-Triều không phải là “quay trở lại lịch sử,” mà là sự đối kháng trong bối cảnh tình hình bán đảo nghiêm trọng hơn, các chiêu bài trừng phạt của Mỹ vẫn như cũ, nhưng năng lực tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đã có sự thay đổi về chất.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội, Triều Tiên đã liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa, nhưng cơ bản không vượt qua lằn ranh “tên lửa liên lục địa” được vạch ra dưới thời Donald Trump.
[Mỹ tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên]
Các bên đều có kiến giải khác nhau về việc các vụ phóng tên lửa đa mô hình của Triều Tiên có vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc hay không.
Sau Đại hội lần thứ VIII của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK), Triều Tiên xây dựng quy hoạch 5 năm phát triển sức mạnh quốc phòng, đặc biệt là nghiên cứu và phát triển tên lửa siêu vượt âm.
Hiện tượng đáng chú ý là Kim Jong-un không xuất hiện ở hiện trường các vụ phóng tên lửa trong một thời gian trước đó, nhưng vụ phóng thử nghiệm cuối cùng tên lửa siêu vượt âm ngày 11/1 được hoàn thành dưới sự chỉ đạo của Kim Jong-un.
Điều này chứng tỏ sự thành công của vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 11/1 là đột phá quan trọng về năng lực tên lửa của Triều Tiên, có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Đồng thời, vấn đề cần phải chú ý là ngày 3/1, năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đưa ra tuyên bố chung “về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang.”
Trong một tuần sau đó, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa siêu vượt âm và đều thành công, đặc biệt là vụ “phóng thử nghiệm cuối cùng” ngày 11/1 tên lửa bay 1.000km, hệ thống cảnh báo sớm của quân đội Mỹ nhận định sai lầm, cho rằng tên lửa sẽ “tấn công nước Mỹ” dẫn đến một số sân bay của Mỹ hỗn loạn, nhiều chuyến bay tạm ngừng cất cánh.
Vụ “phóng thử nghiệm cuối cùng” của Triều Tiên có thể mang 2 ý nghĩa: Một là, Triều Tiên đạt được sự đột phá quan trọng về tên lửa siêu vượt âm, đã tăng cường hơn nữa năng lực tên lửa hạt nhân, củng cố thân phận là “quốc gia hạt nhân”. Hai là, Triều Tiên có thể không tiếp tục “phóng thử” trong thời gian tới.
Mỹ khởi động các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đồng nghĩa với việc đã kết thúc sự “kiên nhẫn” của Chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ năm 2018 đến nay.
Một mặt, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hoàn thành việc đánh giá chính sách đối với Triều Tiên, nhưng luôn áp dụng chính sách “yên ắng” đối với Triều Tiên, nhiều lần bày tỏ có thể tiến hành đối thoại với Triều Tiên, song không thay đổi yêu cầu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời cũng không gỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Triều Tiên.
Yêu cầu Triều Tiên nêu ra để tiến hành đối thoại Mỹ-Triều trong nữa cuối năm 2021 là chấm dứt chính sách thù địch với Triều Tiên và “tiêu chuẩn kép,” ý nghĩa bao hàm của tiền đề này là phải bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều, cũng như đối mặt với hiện thực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Lập trường của hai bên về cơ bản đã quay trở lại trước Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang, mặc dù cách thể hiện tương đối uyển chuyển, nhưng sự bất đồng vẫn như cũ.
Từ năm 2019 đến nay, tình hình bán đảo Triều Tiên xem ra khá ổn định, không tái hiện “sự phẫn nộ” như năm 2017, tuy nhiên trên thực tế sóng ngầm cuồn cuộn, dung nham tích tụ:
Một là, năng lực tên lửa hạt nhân của Triều Tiên được cải thiện đáng kể, đặc biệt là phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân liên tục cải tiến, liên tục phóng hoặc thử nghiệm các loại tên lửa khác nhau như tên lửa phóng từ tàu ngầm, tên lửa siêu vượt âm, tên lửa hành trình..., trong đó tên lửa siêu vượt âm là đột phá về vũ khí chiến lược của Triều Tiên.
Hai là, trong bối cảnh dịch bệnh, Triều Tiên phong tỏa đất nước lâu dài là “sức ép cực đại” đối với hệ thống kinh tế của nước này. Nếu Triều Tiên có thể tránh xảy ra vấn đề kinh tế nghiêm trọng, chắc chắn sẽ cung cấp sức mạnh và sự tự tin để Triều Tiên chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, việc phát triển sức mạnh quốc phòng mà Đại hội VIII WPK xác lập có thể không có gì phải kiêng dè Mỹ.
Ba là, Mỹ gỡ bỏ hạn chế đối với nghiên cứu và phát triển tên lửa của Hàn Quốc, trên thực tế đã kích hoạt “nút thắt cổ chai” để hai miền Nam Bắc bán đảo tiến hành cuộc chạy đua vũ trang tên lửa.
Bốn là, Chính quyền Joe Biden không ngừng tăng cường “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” thành lập liên minh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), bán tàu ngầm động cơ hạt nhân cho Australia đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng với việc Mỹ và Triều Tiên bước vào chu kỳ đối kháng mới, cuộc đọ sức xoay quanh “phi hạt nhân hóa” cũng sẽ trở nên gay gắt hơn. Do tình hình bán đảo Triều Tiên có nhiều thay đổi tiềm tàng và đáng kể trong những năm qua, nên chu kỳ đối kháng mới giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ càng nguy hiểm hơn, xác suất đánh giá sai lầm sẽ gia tăng, rủi ro mất kiểm soát sẽ tăng mạnh.
Thứ nhất, Hàn Quốc sắp tổ chức bầu cử tổng thống, “chính sách Ánh dương” 2.0 mà Chính quyền Moon Jae-in áp dụng sẽ không có kết quả, nước rút cuối cùng trong nhiệm kỳ - Tuyên bố kết thúc chiến tranh cơ bản “chết trong trứng nước,” sau khi phe bảo thủ lên nắm quyền, quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên không thể tránh khỏi việc rơi vào trạng thái căng thẳng.
Thứ hai, năm nay Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ, sự “kiên nhẫn chiến lược” của Joe Biden đã bị năng lực tên lửa hạt nhân của Triều Tiên phá vỡ, đặc biệt là vụ thử tên lửa siêu vượt âm gây nên sự hỗn loạn cho nước Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc Joe Biden sẽ khó tiếp tục chần chừ, đồng thời cũng không thể áp dụng thái độ “phớt lờ” đối với một loạt động thái của Triều Tiên.
Thứ ba, trong bối cảnh dịch bệnh, trừng phạt và thiên tai liên tục diễn ra, nền kinh tế Triều Tiên dường như cũng đã chạm đến điểm giới hạn, hiện nay tình hình kiểm soát dịch bệnh toàn cầu có xu hướng diễn biến tích cực, chính sách “tự cô lập” mà Triều Tiên áp dụng để khống chế dịch bệnh cũng sẽ điều chỉnh, việc nối lại hoạt động vận tải trên đất liền giữa Trung Quốc và Triều Tiên gần đây chính là một ví dụ.
Bán đảo Triều Tiên tồn tại sự đọ sức ở nhiều cấp độ, các nhân tố như vũ khí hạt nhân, chính trị cường quốc, thể chế ly khai bán đảo, trừng phạt của Liên hợp quốc, quy định không phổ biến vũ khí hạt nhân... chồng chất lẫn nhau, trong chuyển đổi chu kỳ đối kháng-hòa hoãn, rủi ro của tình hình bán đảo liên tục xoắn ốc đi lên, cuối cùng biến thành “khiêu vũ tập thể” ở dây thép trên cao.
Nếu không có sự thỏa hiệp của các bên, đặc biệt là sự thỏa hiệp của các nước lớn, chu kỳ mới của bán đảo Triều Tiên chắc chắn là một “Tê giác xám” lồng lộn./.