Trong một tuần qua, cùng với người dân trên khắp thế giới, hàng triệu con tim Việt Nam đang hướng về Nhật Bản, không chỉ bởi những thiệt hại vô cùng to lớn về người và của mà đất nước này đang phải gánh chịu sau thảm họa động đất và sóng thần “chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ”, mà còn bởi nơi ấy, người thân của họ vẫn đang sinh sống, học tập và làm việc.
Với những gì diễn ra sau thảm họa, người dân Việt Nam có thể yên tâm về người thân của mình bởi ở nơi đây, tình người đang “đơm hoa, kết trái” bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
“Xin hãy yên lòng, mẹ ơi!”
Trận động đất có cường độ mạnh nhất trong lịch sử hiện đại ở Nhật Bản kéo theo các đợt sóng thần khổng lồ vào ngày 11/3 đã san phẳng nhiều khu vực ở vùng Tohoku, phía Đông Bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của 7.653 người (thống kê tới 23 giờ ngày 19/3), làm 11.746 người khác mất tích và hàng trăm ngàn người khác phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất.”
Trong lúc hàng trăm ngàn người sống sót vẫn đang vật lộn với vô vàn khó khăn sau thảm họa như không có nhà cửa, không điện, không nước, không ga, thiếu lương thực và nước uống, nhưng nhiều người Nhật Bản vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người nước ngoài, trong đó có các sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam, cùng cảnh ngộ.
Bạn Phạm Đức Trung, sinh năm 1990, sinh viên tiếng Nhật ở thành phố Morioka, tỉnh Iwate tâm sự: “Khi trận động đất xảy ra, em đang ở ký túc xá. Dù không phải ở tâm chấn nhưng hôm đó, thực sự em hoảng hốt và chạy ra ngoài đường. Lúc đó, em thấy mọi người đã chạy hết ra ngoài. Một số học sinh tiểu học thì la hét. Cột điện nhảy múa như sắp đổ. Sau động đất xảy ra, ký túc xá bị mất điện."
Trung nói thêm: "Các thầy, cô giáo trong trường đã tới từng ký túc, tập trung mọi người lại để trấn an. Sau đó, các thầy, cô đã đề nghị chúng em phải tiết kiệm điện, nước, ga và dặn mọi người tranh thủ ra siêu thị mua lương thực cần thiết. Các thầy cũng dặn khi nào có động đất, các bạn cần thực hiện nghiêm túc những gì đã được học.”
Theo bạn Trung, người đã sang Nhật Bản để học tiếng Nhật từ năm 2009 và chuẩn bị nhập học tại trường Đại học Toyama, chính sự động viên kịp thời về tinh thần và sự hướng dẫn kỹ lưỡng đó đã giúp các sinh viên Việt Nam không hoảng loạn và có những biện pháp chuẩn bị cần thiết để đối phó với những khó khăn trong những ngày sau đó.
Không chỉ nhận được những hỗ trợ về mặt tinh thần, các sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam ở Nhật Bản còn nhận được sự giúp đỡ về mặt vật chất của các bạn bè Nhật Bản để vượt qua những giây phút khó khăn ban đầu.
Trở về từ khu vực tâm chấn ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, bạn Phan Anh Tuấn, năm nay 31 tuổi, nghiên cứu sinh năm thứ ba của Đại học Tohoku kể: “Sau khi động đất kết thúc, tuyết rơi rất dày. Điện, nước, ga ở một số khu vực bị cắt."
Tuấn nói thêm: "Hôm đầu tiên (11/3), một số người bạn Nhật sống ở xung quanh khu nhà chúng em đang ở có máy phát điện đã gọi mọi người tập trung ở nhà thi đấu thể thao ở gần đấy. Tối hôm đó, các bạn Nhật đã nấu thức ăn cho chúng em.”
Tuấn cho biết, bố mẹ bạn và gia đình rất lo khi được biết Tuấn đang ở tâm chấn của trận động đất vừa qua. Tuy nhiên, bạn đã nói với mẹ rằng “Xin mẹ hãy yên lòng. Con nhận được sự giúp đỡ của các bạn bè Nhật Bản. Con muốn ở lại để giúp đỡ các bạn khác mới tới Nhật Bản và vẫn còn bỡ ngỡ”.
Trước thảm họa, bạn Nguyễn Sơn Hải, sinh năm 1988, và một số tu nghiệp sinh khác của Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Sanshi Kijouku ở làng Hirata, chỉ cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang gặp sự cố của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) khoảng 35 đến 40km.
Hải kể: “Em đã làm việc tại nhà máy này từ tháng 10/2008. Khi động đất xảy ra, tụi em đang trong xưởng làm việc. Lúc đầu, em nghĩ động đất vẫn như mọi khi nhưng sau đó, mặt đất rung chuyển càng lúc, càng mạnh. Các nhân viên quản lý của nhà máy đã kêu chúng em chạy ra ngoài.”
Sau khi động đất xảy ra, các tu nghiệp sinh này đã theo dõi thông tin trên Internet và được biết về các vụ nổ liên tiếp tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Nhiều người trong số họ tỏ ra hoảng sợ.
Hải cho biết: “Lúc đó, các nhân viên của nghiệp đoàn và công ty Sanshi Kijouku đã tới trò chuyện với các tu nghiệp sinh này. Bên công ty và nghiệp đoàn hỏi bọn em có nguyện vọng làm việc tiếp hay trở về Việt Nam và nếu về, công ty sẽ hỗ trợ. Sau đó, nghiệp đoàn đã hỗ trợ chi phí đi lại và chi phí trở về Việt Nam cho chúng em.” Rơm rơm nước mắt, Hải nói: “Những hỗ trợ đó rất đáng quý trong thời điểm các bạn Nhật cũng đang gặp khó khăn.”
Chính sự động viên và hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần đó của các bạn Nhật Bản, nhiều sinh viên và tu nghiệp sinh đã quyết định bám trụ ở đây để cùng người dân đất nước này khắc phục thảm họa. Nhiều sinh viên trở về từ tâm chấn cho biết, khi các em sơ tán tới các điểm lánh nạn chung, các em nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương như những người Nhật khác. Không có bất cứ sự phân biệt đối xử giữa người Nhật và người nước ngoài.
Một thành viên nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản được cử tới Morioka để hỗ trợ sơ tán người Việt ra khỏi các khu vực nguy hiểm kể: “Trước khi lên đường, chúng tôi nhận được thông tin ở Morioka, có khoảng 63 người đăng ký di chuyển về Tokyo. Khi đến nơi, nhiều em đã thay đổi ý định và quyết tâm ở lại. Một số em khác được các thầy, cô giáo trong trường tiễn ra tận xe ôtô nhưng đã thay đổi ý định cho dù đã ngồi trên xe bởi vì, họ thực sự xúc động trước tình cảm của các thầy, cô giáo và muốn ở lại để giúp tái thiết lại Nhật Bản."
Những tấm lòng nhân ái
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, chiều 16/3, Trung, Tuấn, Hải cùng 80 người Việt đã trở về thủ đô Tokyo một cách an toàn. Khi về tới thủ đô, họ đã được bố trí tạm trú tại chùa Nisshin Kotsu, gần chân tháp Tokyo do Hòa thượng Daichi Yoshimizu trụ trì.
Hòa thượng Yoshimizu cho biết, ông biết có nhiều người Việt Nam ở Tokyo và các tỉnh lân cận khác như Kanagawa, Saitama và Chiba nhưng không biết về cộng đồng người Việt ở phía Đông Bắc Nhật Bản.
Thông qua ni cô Tâm Trí, ông được biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa các sinh viên và thực tập sinh Việt Nam từ các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate sơ tán an toàn về Tokyo. Biết hoàn cảnh khó khăn của những người Việt Nam chạy nạn động đất, ông đã mời họ về tạm trú tại chùa.
Trong khi đó, ni cô Tâm Trí, đệ tử của Hòa thượng Yoshimizu cho biết, ni cô đã nhận được thông tin về việc có khoảng 60 sinh viên Việt Nam đã vượt qua thử thách trong thảm họa vừa qua và đang trên đường trở về Tokyo.
Sau khi bàn bạc với Hòa thượng trụ trì - một người đã có gắn bó với Việt Nam từ năm 1963, Hòa thượng Yoshimizu “đã hoan hỉ và hứa khả mời tất cả đoàn Việt Nam về chùa ở." Sau đó, ni cô đã thông báo với đoàn rằng “chùa Nisshin Kutsu sẵn sàng đón đoàn nghỉ lại bất cứ khi nào họ cần.”
Ngay sau khi đến chùa, các công dân Việt Nam đã được các chuyên gia của Công ty Fuji Denki kiểm tra an toàn phóng xạ.
Ông Kunihiko Kitoh, đại diện của Công ty Chứng khoán Bảo Việt ở Nhật Bản, chính là người đã liên hệ để mời Fuji Denki tới kiểm tra an toàn phóng xạ cho các công dân Việt Nam.
Ông nói: “Tôi được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thông báo các sinh viên và tu nghiệp sinh đang được sơ tán về Tokyo từ ba tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản. Những người này đang lo lắng không biết có nhiễm xạ hay không. Vì vậy, đại sứ quán đã đề nghị tôi giúp đỡ. Tôi đã chấp nhận đề nghị này ngay lập tức.”
Phát biểu trước các bạn sinh viên và tu nghiệp sinh, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình đã bày tỏ sự cảm ơn những tấm lòng nghĩa hiệp của Hòa thượng Yoshimizu và ông Kitoh cũng như các bạn bè Nhật khác đã giúp các công dân Việt Nam đang gặp khó khăn trong bối cảnh nước Nhật vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thảm họa động đất và sóng thần vừa qua.
Đại sứ nghẹn ngào nói: “Giữa lúc nhân dân Nhật Bản đang gặp đau thương bởi thảm họa quá lớn mà cho đến bây giờ, chúng ta chưa tính được bao nhiêu sinh mạng bị cướp đi, bao nhiêu tài sản, của cải bị phá hủy, giữa lúc khó khăn đó, nhân dân Nhật Bản vẫn giành cho chúng ta một sự ưu ái và đưa các cháu đến nơi an toàn.”
Để đảm bảo lương thực cho những người đang trú tại chùa Nisshin Kutsu, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) đã trích 200.000 yen từ Quỹ Tấm lòng Vàng VYSA để mua lương thực và đồ ăn cho những người Việt Nam vừa sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm.
Trước đó, nhiều người Việt ở Tokyo và các tỉnh lân cận đã chở đồ quyên góp như quần áo và lương thực tới cho những người đang trú tại ngôi chùa này.
Giải thích về các hoạt động của hội, Chủ tịch VYSA Nguyễn Ngọc Tú nói: “Người Việt Nam có truyền thống ‘lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.’ Xuất phát từ truyền thống đó, tất cả các thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đều đoàn kết chung lòng các bạn ở vùng tâm chấn.”./.
Với những gì diễn ra sau thảm họa, người dân Việt Nam có thể yên tâm về người thân của mình bởi ở nơi đây, tình người đang “đơm hoa, kết trái” bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
“Xin hãy yên lòng, mẹ ơi!”
Trận động đất có cường độ mạnh nhất trong lịch sử hiện đại ở Nhật Bản kéo theo các đợt sóng thần khổng lồ vào ngày 11/3 đã san phẳng nhiều khu vực ở vùng Tohoku, phía Đông Bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của 7.653 người (thống kê tới 23 giờ ngày 19/3), làm 11.746 người khác mất tích và hàng trăm ngàn người khác phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất.”
Trong lúc hàng trăm ngàn người sống sót vẫn đang vật lộn với vô vàn khó khăn sau thảm họa như không có nhà cửa, không điện, không nước, không ga, thiếu lương thực và nước uống, nhưng nhiều người Nhật Bản vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người nước ngoài, trong đó có các sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam, cùng cảnh ngộ.
Bạn Phạm Đức Trung, sinh năm 1990, sinh viên tiếng Nhật ở thành phố Morioka, tỉnh Iwate tâm sự: “Khi trận động đất xảy ra, em đang ở ký túc xá. Dù không phải ở tâm chấn nhưng hôm đó, thực sự em hoảng hốt và chạy ra ngoài đường. Lúc đó, em thấy mọi người đã chạy hết ra ngoài. Một số học sinh tiểu học thì la hét. Cột điện nhảy múa như sắp đổ. Sau động đất xảy ra, ký túc xá bị mất điện."
Trung nói thêm: "Các thầy, cô giáo trong trường đã tới từng ký túc, tập trung mọi người lại để trấn an. Sau đó, các thầy, cô đã đề nghị chúng em phải tiết kiệm điện, nước, ga và dặn mọi người tranh thủ ra siêu thị mua lương thực cần thiết. Các thầy cũng dặn khi nào có động đất, các bạn cần thực hiện nghiêm túc những gì đã được học.”
Theo bạn Trung, người đã sang Nhật Bản để học tiếng Nhật từ năm 2009 và chuẩn bị nhập học tại trường Đại học Toyama, chính sự động viên kịp thời về tinh thần và sự hướng dẫn kỹ lưỡng đó đã giúp các sinh viên Việt Nam không hoảng loạn và có những biện pháp chuẩn bị cần thiết để đối phó với những khó khăn trong những ngày sau đó.
Không chỉ nhận được những hỗ trợ về mặt tinh thần, các sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam ở Nhật Bản còn nhận được sự giúp đỡ về mặt vật chất của các bạn bè Nhật Bản để vượt qua những giây phút khó khăn ban đầu.
Trở về từ khu vực tâm chấn ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, bạn Phan Anh Tuấn, năm nay 31 tuổi, nghiên cứu sinh năm thứ ba của Đại học Tohoku kể: “Sau khi động đất kết thúc, tuyết rơi rất dày. Điện, nước, ga ở một số khu vực bị cắt."
Tuấn nói thêm: "Hôm đầu tiên (11/3), một số người bạn Nhật sống ở xung quanh khu nhà chúng em đang ở có máy phát điện đã gọi mọi người tập trung ở nhà thi đấu thể thao ở gần đấy. Tối hôm đó, các bạn Nhật đã nấu thức ăn cho chúng em.”
Tuấn cho biết, bố mẹ bạn và gia đình rất lo khi được biết Tuấn đang ở tâm chấn của trận động đất vừa qua. Tuy nhiên, bạn đã nói với mẹ rằng “Xin mẹ hãy yên lòng. Con nhận được sự giúp đỡ của các bạn bè Nhật Bản. Con muốn ở lại để giúp đỡ các bạn khác mới tới Nhật Bản và vẫn còn bỡ ngỡ”.
Trước thảm họa, bạn Nguyễn Sơn Hải, sinh năm 1988, và một số tu nghiệp sinh khác của Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Sanshi Kijouku ở làng Hirata, chỉ cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang gặp sự cố của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) khoảng 35 đến 40km.
Hải kể: “Em đã làm việc tại nhà máy này từ tháng 10/2008. Khi động đất xảy ra, tụi em đang trong xưởng làm việc. Lúc đầu, em nghĩ động đất vẫn như mọi khi nhưng sau đó, mặt đất rung chuyển càng lúc, càng mạnh. Các nhân viên quản lý của nhà máy đã kêu chúng em chạy ra ngoài.”
Sau khi động đất xảy ra, các tu nghiệp sinh này đã theo dõi thông tin trên Internet và được biết về các vụ nổ liên tiếp tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Nhiều người trong số họ tỏ ra hoảng sợ.
Hải cho biết: “Lúc đó, các nhân viên của nghiệp đoàn và công ty Sanshi Kijouku đã tới trò chuyện với các tu nghiệp sinh này. Bên công ty và nghiệp đoàn hỏi bọn em có nguyện vọng làm việc tiếp hay trở về Việt Nam và nếu về, công ty sẽ hỗ trợ. Sau đó, nghiệp đoàn đã hỗ trợ chi phí đi lại và chi phí trở về Việt Nam cho chúng em.” Rơm rơm nước mắt, Hải nói: “Những hỗ trợ đó rất đáng quý trong thời điểm các bạn Nhật cũng đang gặp khó khăn.”
Chính sự động viên và hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần đó của các bạn Nhật Bản, nhiều sinh viên và tu nghiệp sinh đã quyết định bám trụ ở đây để cùng người dân đất nước này khắc phục thảm họa. Nhiều sinh viên trở về từ tâm chấn cho biết, khi các em sơ tán tới các điểm lánh nạn chung, các em nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương như những người Nhật khác. Không có bất cứ sự phân biệt đối xử giữa người Nhật và người nước ngoài.
Một thành viên nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản được cử tới Morioka để hỗ trợ sơ tán người Việt ra khỏi các khu vực nguy hiểm kể: “Trước khi lên đường, chúng tôi nhận được thông tin ở Morioka, có khoảng 63 người đăng ký di chuyển về Tokyo. Khi đến nơi, nhiều em đã thay đổi ý định và quyết tâm ở lại. Một số em khác được các thầy, cô giáo trong trường tiễn ra tận xe ôtô nhưng đã thay đổi ý định cho dù đã ngồi trên xe bởi vì, họ thực sự xúc động trước tình cảm của các thầy, cô giáo và muốn ở lại để giúp tái thiết lại Nhật Bản."
Những tấm lòng nhân ái
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, chiều 16/3, Trung, Tuấn, Hải cùng 80 người Việt đã trở về thủ đô Tokyo một cách an toàn. Khi về tới thủ đô, họ đã được bố trí tạm trú tại chùa Nisshin Kotsu, gần chân tháp Tokyo do Hòa thượng Daichi Yoshimizu trụ trì.
Hòa thượng Yoshimizu cho biết, ông biết có nhiều người Việt Nam ở Tokyo và các tỉnh lân cận khác như Kanagawa, Saitama và Chiba nhưng không biết về cộng đồng người Việt ở phía Đông Bắc Nhật Bản.
Thông qua ni cô Tâm Trí, ông được biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa các sinh viên và thực tập sinh Việt Nam từ các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate sơ tán an toàn về Tokyo. Biết hoàn cảnh khó khăn của những người Việt Nam chạy nạn động đất, ông đã mời họ về tạm trú tại chùa.
Trong khi đó, ni cô Tâm Trí, đệ tử của Hòa thượng Yoshimizu cho biết, ni cô đã nhận được thông tin về việc có khoảng 60 sinh viên Việt Nam đã vượt qua thử thách trong thảm họa vừa qua và đang trên đường trở về Tokyo.
Sau khi bàn bạc với Hòa thượng trụ trì - một người đã có gắn bó với Việt Nam từ năm 1963, Hòa thượng Yoshimizu “đã hoan hỉ và hứa khả mời tất cả đoàn Việt Nam về chùa ở." Sau đó, ni cô đã thông báo với đoàn rằng “chùa Nisshin Kutsu sẵn sàng đón đoàn nghỉ lại bất cứ khi nào họ cần.”
Ngay sau khi đến chùa, các công dân Việt Nam đã được các chuyên gia của Công ty Fuji Denki kiểm tra an toàn phóng xạ.
Ông Kunihiko Kitoh, đại diện của Công ty Chứng khoán Bảo Việt ở Nhật Bản, chính là người đã liên hệ để mời Fuji Denki tới kiểm tra an toàn phóng xạ cho các công dân Việt Nam.
Ông nói: “Tôi được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thông báo các sinh viên và tu nghiệp sinh đang được sơ tán về Tokyo từ ba tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản. Những người này đang lo lắng không biết có nhiễm xạ hay không. Vì vậy, đại sứ quán đã đề nghị tôi giúp đỡ. Tôi đã chấp nhận đề nghị này ngay lập tức.”
Phát biểu trước các bạn sinh viên và tu nghiệp sinh, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình đã bày tỏ sự cảm ơn những tấm lòng nghĩa hiệp của Hòa thượng Yoshimizu và ông Kitoh cũng như các bạn bè Nhật khác đã giúp các công dân Việt Nam đang gặp khó khăn trong bối cảnh nước Nhật vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thảm họa động đất và sóng thần vừa qua.
Đại sứ nghẹn ngào nói: “Giữa lúc nhân dân Nhật Bản đang gặp đau thương bởi thảm họa quá lớn mà cho đến bây giờ, chúng ta chưa tính được bao nhiêu sinh mạng bị cướp đi, bao nhiêu tài sản, của cải bị phá hủy, giữa lúc khó khăn đó, nhân dân Nhật Bản vẫn giành cho chúng ta một sự ưu ái và đưa các cháu đến nơi an toàn.”
Để đảm bảo lương thực cho những người đang trú tại chùa Nisshin Kutsu, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) đã trích 200.000 yen từ Quỹ Tấm lòng Vàng VYSA để mua lương thực và đồ ăn cho những người Việt Nam vừa sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm.
Trước đó, nhiều người Việt ở Tokyo và các tỉnh lân cận đã chở đồ quyên góp như quần áo và lương thực tới cho những người đang trú tại ngôi chùa này.
Giải thích về các hoạt động của hội, Chủ tịch VYSA Nguyễn Ngọc Tú nói: “Người Việt Nam có truyền thống ‘lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.’ Xuất phát từ truyền thống đó, tất cả các thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đều đoàn kết chung lòng các bạn ở vùng tâm chấn.”./.
Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)