Tính toán các kịch bản phụ tải, đảm bảo cung ứng điện cho 2020

Trước tình trạng khô hạn, Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết phương thức vận hành điện phải hết sức linh hoạt. Tình huống xấu phải có giải pháp thay thế các nguồn nhà máy thuỷ điện.
Tính toán các kịch bản phụ tải, đảm bảo cung ứng điện cho 2020 ảnh 1Bộ Công Thương chỉ đạo EVN có phương thức vận hành hợp lý để đảm bảo vận hành điện cho năm tới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tình trạng khô hạn và lượng nước thiếu hụt ở nhiều hồ thủy điện lớn đã gây áp lực lớn trong việc cung ứng điện cho năm 2020.

Thông tin bên lề buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có phương thức vận hành hợp lý để đảm bảo vận hành điện cho năm tới.

[Cấp nước cho vụ Đông-Xuân 2020 gặp nhiều khó khăn]

- Xin ông cho biết các phương án phát điện cho thời gian tới khi một số hồ thuỷ điện như Sơn La và Hoà Bình rơi vào mực nước chết?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2019, nước về các hồ thấp hơn nhiều dự kiến. Đơn cử như hồ Hoà Bình nước tích thấp hơn 15m, còn Sơn La 13m. Ước tính tổng sản lượng điện tích được trong các hồ thuỷ điện thấp hơn 4,4 tỷ kWh so với tính toán mực nước dâng bình thường.

Trước tình hình trên, liên Bộ Công Thương-Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường đã có nhiều buổi họp, trao đổi với các địa phương để điều tiết, sử dụng nước tại các hồ thuỷ điện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Riêng với hồ Hoà Bình, ngoài 2 nhiệm vụ trên, còn có nhiệm vụ xả nước xuống hạ du, cấp nước cho nhà máy nước sông Đà và cấp nước cho người dân Hà Nội.

Tính toán các kịch bản phụ tải, đảm bảo cung ứng điện cho 2020 ảnh 2Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực trao đổi với phóng viên về cung ứng điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy biện pháp cụ thể được triển khai là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngày 11/12, liên ngành đã đi kiểm tra một số đơn vị trạm bơm, đôn đốc việc nạo vét kênh mương. Trong năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tổ chức 3 đợt đổ ải, kéo dài 18 ngày, tổng lượng nước xả khoảng 4 tỷ m3.

Như đã nói ở trên, hồ chứa Hoà Bình còn phải cấp nước cho nhà máy nước sông Đà với lưu lượng tối thiểu 400 m3/giây cũng như cấp nước cho thành phố Hà Nội, nên hết sức khó khăn. Chưa kể đến việc huy động các nhà máy thuỷ điện ở phía Bắc, như Hoà Bình, Sơn La… cũng rất khó khăn.

Do vậy, cùng với việc kiểm tra, đôn đốc nói trên, Bộ cũng đề xuất và phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm nhất. Ví dụ như nâng công suất các trạm bơm hay việc các tỉnh đặt các trạm bơm dã chiến lấy nước tưới tiêu cho nông nghiệp mà không chờ các đợt xả nước…

Ngoài ra, các địa phương cũng tính toán ngày giờ để xả nước tiết kiệm tối đa, bằng nhiều giải pháp kỹ thuật giảm thiểu thời gian xả nước đổ ải xuống hạ du cũng như đôn đốc tuyên truyền sử dụng nước hiệu quả, có giải pháp nạo vét kênh mương, tận dụng nguồn nước.

Đối với ngành điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) phải tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, công ty thủy nông các tỉnh có kế hoạch tưới tiêu phù hợp. Trong trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền bàn tình huống đặc biệt.

Bên cạnh đó, phương thức vận hành điện phải hết sức linh hoạt, tình huống xấu thì phải có giải pháp thay thế các nguồn nhà máy thuỷ điện.

Thực tế hiện nay, nước về các hồ không đồng đều, trong khi một số nguyên liệu đầu vào như than, khí khó khăn, song bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho năm sau.

Hiện Cục Điều tiết điện lực đã tính toán các kịch bản phụ tải cao và thấp. Tới đây, Bộ sẽ đề xuất ban hành chỉ thị mới về tiết kiệm điện, hy vọng nhận được sự hỗ trợ của tất cả các khách hàng và người dân.

Tuy vậy, để vừa đảm bảo điện, vừa có nước cho hạ du thì đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành.

- Trước tình hình các hồ thuỷ điện đang cạn, Bộ Công Thương có giải pháp gì đối với các dự án năng lượng tái tạo?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hệ thống điện có nhiều nguồn và phải phối hợp hài hoà giữa các loại hình: Thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo…

Ngoài ra, thời gian gần đây đã phát triển thêm năng lượng Mặt trời, điện gió với công suất khoảng 4.800 - 4.900 MW, đây là nguồn năng lượng quý giá góp vào cho cung cấp điện.

Dù vậy, một mặt phải huy động hợp lý nhất các nguồn điện, triển khai các công trình giải toả nghẽn mạch trên đường dây truyền tải, lưới điện phân phối. Công trình điện phải đưa vào đúng tiến độ, với tăng trưởng phụ tải điện hơn 10% thì yêu cầu này rất quan trọng.      

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các tập đoàn như: TKV, PVN… có giải pháp đảm bảo cung cấp nhiên liệu. Xem xét nhập khẩu than để đủ cung cấp nguyên liệu cho điện than.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục