Tình trạng an ninh của Mỹ ở Benghazi là yếu kém

Trong phiên điều trần tại Quốc hội, quan chức an ninh của Mỹ ở Benghazi nói rằng yêu cầu tăng cường của ông đã không được đáp ứng.
Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Libya, Benghazi, là một mục tiêu rõ ràng của các lực lượng khủng bố do tình trạng an ninh yếu kém và yêu cầu tăng cường nhân viên an ninh bị từ chối bất chấp mối đe dọa Al Qaeda ngày càng gia tăng. Đây là nhận định của các nghị sĩ Mỹ trong buổi điều trần công khai ngày 10/10. Trong một phiên điều trần căng thẳng, các nghị sĩ Cộng hòa đã cật vấn ba quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao và cựu lãnh đạo của lực lượng an ninh về việc điều gì đã xảy ra trong cuộc tấn công phái bộ Mỹ vào ngày 11/9 khiến bốn người Mỹ thiệt mạng. Hai quan chức ra điều trần xác nhận rằng đã có yêu cầu tăng cường lực lượng an ninh tại các phái bộ Mỹ ở Tripoli và Benghazi, nhưng bị từ chối, và lãnh đạo an ninh trong vùng nói ông rất thất vọng vì “không hề có một kế hoạch nào” về đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao. “Rất rõ ràng là chúng tôi sẽ không có thêm nguồn lực cho tới sau sự cố,” quan chức an ninh của Mỹ ở Benghazi, Eric Nordstrom, nói trong một phiên điều trần trước Ủy ban cải cách và giám sát chính phủ của Hạ viện. Sau khi xin thêm 12 nhân viên an ninh, “chúng tôi được trả lời là đang hỏi xin mặt trăng, mặt trời và những vì sao,” Nordstrom bức xúc. Ông bình luận rằng “điều thất vọng nhất về những gì diễn ra không phải là sự khó khăn gian khổ, là những cuộc đọ súng hay các mối đe dọa, mà là đối phó với chính những con người trong nội bộ chúng ta, những người lẽ ra phải ủng hộ tôi. Tôi cũng muốn nói thêm rằng với tôi, Taliban đang ngồi trong chính tòa nhà này.” “Chúng ta đang có một cuộc chiến mà chúng ta biết chắc sẽ thua,” thiếu tá Andrew Wood, người chỉ huy đội an ninh gồm 16 người đóng tại Tripoli từ giữa tháng Hai tới giữa tháng Tám, bình luận thêm. Cuộc tấn công dữ dội của hàng chục phần tử vũ trang với vũ khí hạng nặng đã thiêu rụi tòa lãnh sự Mỹ cùng khu nhà ở cạnh đó, đẩy Tổng thống Barack Obama vào tình thế bất lợi về chính sách đối ngoại ngay trước cuộc bầu cử ngày 6/11 tới. Trong số những người thiệt mạng có cả đại sứ Chris Stevens, đại sứ Mỹ đầu tiên thiệt mạng kể từ năm 1979, cùng ba nhân viên ngoại giao khác.
[Hàng chục tay súng đã sát hại đại sứ Mỹ ở Libya]
Cả Wood và Nordstrom quy trách nhiệm cho Phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao Charlene Lamb, người đứng ra sắp xếp an ninh cho khoảng 275 cơ sở ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới, vì từ chối không đáp ứng yêu cầu tăng cường an ninh của họ. Bà Lamb bị các nghị sĩ nghiền nát trong phiên điều trần kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ và thừa nhận đã từ chối những yêu cầu tăng cường an ninh.
Tình trạng an ninh của Mỹ ở Benghazi là yếu kém ảnh 1
Các nhân vật tham gia điều trần tuyên thệ trước quốc hội Mỹ (Nguồn: AFP)
Tuy nhiên, bà biện bạch rằng quyết định cuối cùng thuộc về cấp trên của bà. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã có một nguồn lực chính xác” tại hiện trước, bà nói. “Tôi chỉ ra quyết định tốt nhất dựa trên thông tin mà tôi có.” Wood, một cựu lính đặc nhiệm, nói ông đã đề xuất đóng cửa phái bộ tại Benghazi do các cuộc tấn công nhắm vào những mục tiêu phương tây tăng cao và nhiều phái bộ khác đã rút khỏi thành phố này. “Khi sự cố xảy ra, có lẽ chúng ta là nơi có lá cờ nước ngoài cuối cùng vẫn phấp phới ở Benghazi, cũng là mục tiêu cuối cùng còn lại trong danh sách của họ,” Wood nói. Các lãnh đạo an ninh cũng nói ở phiên điều trần rằng 230 sự cố an ninh đã xảy ra trong 13 tháng tại Libya và vào tháng Sáu, những đe dọa trực tiếp với đại sứ Stevens đã xuất hiện trên Facebook, nói rằng ông thường xuyên chạy bộ. Tuy nhiên, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Patrick Kennedy phản bác lại các cáo buộc nhắm vào quan chức chính quyền. “Thông tin mà chúng tôi có được ở thời điểm đó không giống như bây giờ. Ngày hôm nay rõ ràng chúng ta có nhiều thông tin hơn hẳn so với vào ngày Chủ nhật sau cuộc tấn công,” Kennedy nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục