Cứ bước vào vụ ép mía mới, tình trạng tranh mua nguồn nguyên liệu giữa các nhà máy lại tái diễn. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên, giữa nhà máy với nhà máy, nhà máy với người trồng mía vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tranh mua nguyên liệu mía - đến hẹn lại lên
Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất năm 2022, trong năm 2021, Nhà máy đường An Khê đã liên kết với hàng trăm hộ dân tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu mía với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Khi nhà máy đang xây dựng kế hoạch thu mua nguồn nguyên liệu mía trên diện tích đã đầu tư, nhiều hộ dân có liên kết với nhà máy đã tự ý thu hoạch mía rồi bán cho các tư thương.
Theo phản ánh của Nhà máy đường An Khê, nguyên liệu mía được các tư thương đứng ra thu mua rồi vận chuyển đi các nhà máy ở Kon Tum, Ayun Pa và Phú Yên. Việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu này khiến phía nhà máy rất lo lắng.
Ông Lê Văn Dương, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng đầu tư nguyên liệu-Nhà máy Đường An Khê cho biết: "Dù mới bước vào vụ ép nhưng tình trạng tranh chấp nguồn nguyên liệu đã diễn ra khá phức tạp khiến chúng tôi vô cùng lo lắng."
Thời điểm này, cũng là dịp cuối năm, nông dân đang cần tiền để sắm Tết. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều tư thương đã "âm thầm" gom nguyên liệu bằng nhiều hình thức như mua giá cao hơn Nhà máy đường An Khê, hạ giá cước xe để bù cho giá mía… Vì thế, người dân dù đã ký kết hợp tác với Nhà máy đường An Khê nhưng vẫn sẵn sàng bán mía cho các tư thương.
"Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày chúng tôi mất trên 1.500 tấn mía nguyên liệu, tập trung chủ yếu ở các xã Chơ Long, An Trung, Đăk Pơ Pho, Yang Trung của huyện Kông Chro. Với giá mía như hiện tại, cùng với chi phí đầu tư ban đầu, nhà máy ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng," ông Lê Văn Dương lo lắng.
Theo một cán bộ nông nghiệp của xã An Trung, do chênh lệch giá mía nguyên liệu giữa các nhà máy trong vùng như Ayun Pa, Kon Tum nên có tình trạng người dân bán mía cho các tư thương để chở đi cho các nhà máy đường tại Ayun Pa, Kon Tum. Tuy nhiên, việc kiểm soát hay ngăn chặn thì chính quyền địa phương không có quyền hạn.
Ông Vũ Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Trung, huyện Kông Chro cho biết người dân chở đi Ayun Pa hay Kon Tum dù phải chịu chi phí vận chuyển thì vẫn được lời hơn so với bán cho Nhà máy đường An Khê mấy triệu đồng một xe. Nhà máy Đường An Khê thu mua giá thấp hơn chỗ khác thì người dân không chấp nhận, vì thế người dân bán ra ngoài là điều bình thường.
Thiệt hại cả đôi bên
Việc tranh mua nguồn nguyên liệu không chỉ gây thiệt hại cho phía nhà máy trực tiếp bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu mà lâu dài dẫn đến mối quan hệ hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu giữa nhà máy và người dân đổ vỡ, từ đó phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa người dân và nhà máy.
Đối với nhà máy sản xuất đường, việc tranh mua nguồn nguyên liệu sẽ khiến cho nhà máy tổn thất về nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư vùng nguyên liệu. Theo ông Lê Văn Dương, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Đầu tư nguyên liệu-Nhà máy đường An Khê, cứ mỗi một tấn mía nguyên liệu bị mất đi, nhà máy sẽ thiệt hại trực tiếp 50.000 đồng tiền chi phí đầu tư.
[Gia Lai: Giá mía tăng lên mức cao kỷ lục, người nông dân phấn khởi]
Ngoài ra, nhiều hộ dân có hợp tác với nhà máy trồng nguyên liệu khi bán mía ra ngoài nhưng vẫn không trả lại tiền chi phí đầu tư cho nhà máy.
"Vụ ép năm 2020-2021, nhà máy thiệt hại khoảng 15-20% sản lượng mía nguyên liệu, tương đương với khoảng 150.000 tấn mía. Theo tính toán, với sản lượng mía trung bình 60 tấn/ha, để có được 150.000 tấn mía thì phải trồng trên diện tích 2.500ha. Như vậy, tính riêng chi phí đầu tư vùng nguyên liệu trung bình 15 triệu/ha, nhà máy đã mất đi 38 tỷ đồng. Chưa kể, tính theo giá trị đường sản xuất, nhà máy mất thêm hàng chục tỷ đồng nữa," ông Dương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, việc mất nguồn nguyên liệu còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của nhà máy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên mỗi vùng nguyên liệu do từng nhà máy bỏ vốn hợp tác với người dân.
Còn với người dân, dù được lợi kinh tế từ những tấn mía bán ra ngoài có giá cao hơn nhưng về lâu dài, người dân sẽ mất đi mối quan hệ, liên kết đầu tư với nơi tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.
Để ngăn chặn tình trạng tranh mua nguồn nguyên liệu, theo ông Vũ Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Trung, huyện Kông Chro: "Hiện nay, việc hợp tác giữa nhà máy và người dân hầu như chính quyền không nắm được, khi mọi việc đã được ký kết xong thì phía nhà máy chỉ đưa cho một danh sách các hộ dân có hợp tác với nhà máy trong vấn đề đầu tư vùng nguyên liệu. Còn việc đầu tư ở đâu, như thế nào thì chính quyền không hay biết. Vì thế, để giải quyết được vấn đề tranh mua nguyên liệu khi vào vụ ép thì cần phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương trong quá trình ký kết hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu giữa nhà máy và người dân. Để từ đó, chính quyền sẽ có trách nhiệm trong vấn đề quản lý nguyên liệu khi đến vụ ép"./.