Ngày 15/3, một tòa án tại Luxembourg sẽ ra phán quyết liên quan tới đơn kháng cáo của 2 bị cáo gây ra vụ rò rỉ hàng nghìn tài liệu mật phanh phui việc các công ty đa quốc gia gian lận thuế tại công quốc này, hay còn gọi là vụ "LuxLeaks."
Hai bị cáo đều là cựu nhân viên của hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC), gồm Antoine Deltour 31 tuổi, và Raphael Halet 40 tuổi.
Hồi tháng 6/2016, hai người này đã bị tuyên phạt sơ thẩm 12 tháng và 9 tháng tù giam vì tội tiết lộ các thông tin mật, từ đó châm ngòi cho làn sóng phản đối các thỏa thuận mà Luxembourg ký với các doanh nghiệp quốc tế. Với tội danh đánh cắp dữ liệu, tiết lộ bí mật kinh doanh, hai người này có thể nhận mức án lên đến 5 năm tù giam. Tuy nhiên, cả hai hy vọng phiên tòa phúc thẩm sẽ tuyên họ trắng án.
Trong phiên tòa tại Tòa phúc thẩm Luxembourg hồi tháng 12 năm ngoái, các công tố viên đã đề nghị giảm án cho ông Deltour – người được cho là giữ vai trò chính trong vụ phanh phui các tài liệu mật này – xuống còn 6 tháng tù giam, trong khi ông Halet chỉ phải nộp phạt.
Vụ bê bối “LuxLeaks” bị phanh phui hồi năm 2014 khi Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế công bố hơn 500 thỏa thuận thuế giữa Luxembourg và hơn 350 doanh nghiệp quốc tế, trong đó tiết lộ nhiều vụ gian lận thuế hàng tỷ USD, có dính líu tới các tập đoàn lớn như Apple, IKEA, Pepsi… Các tập đoàn này đã có những thỏa thuận ngầm với cơ quan thuế Luxembourg để được hưởng thuế suất thấp hơn quy định.
Vụ việc đã thu hút sự chú ý của thế giới, đồng thời tạo áp lực cho ông Jean-Claude Juncker trong những tuần đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), do tại thời điểm có các diễn biến liên quan vụ việc, ông Juncker đang giữ chức Thủ tướng Luxembourg.
Trước vụ bê bối liên quan tới "Hồ sơ Panama" hồi tháng 4 năm ngoái, vụ rò rỉ tài liệu "LuxLeaks" được xem là hồ sơ lớn nhất về trốn thuế cũng như thiên đường thuế. Hai vụ tai tiếng này đã buộc EU phải thắt chặt các quy định nhằm ngăn chặn các thỏa thuận tương tự, trong khi Luxembourg đứng trước áp lực phải chấp nhận quy định mới đối với các nước thành viên EU, theo đó phải tăng cường chia sẻ thông tin thuế giữa các đối tác trong liên minh./.