Tọa đàm tại Pháp về triển vọng thương mại tự do Việt Nam-EU

Tại buổi tọa đàm ngày 16/9, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng sự hiện diện của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Pháp là một minh chứng cho mong muốn hợp tác kinh tế giữa Pháp và Việt Nam.
Tọa đàm tại Pháp về triển vọng thương mại tự do Việt Nam-EU ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng giới thiệu thị trường, tiềm năng đầu tư thương mại vào Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, gần 50 doanh nghiệp tỉnh Saône-et-Loire đã tham dự buổi tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), được tổ chức ngày 16/9 tại thành phố Macon, thủ phủ của tỉnh này ở miền Trung nước Pháp.

Diễn đàn được Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) tỉnh Saône-et-Loire phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Chủ tịch CCI tỉnh Saône-et-Loire, ông Michel Suchaut, Thị trưởng thành phố Mâcon, ông Jean-Patrick Courtois và các đại diện thương mại, kế hoạch đầu tư, xuất nhập khẩu, hải quan Việt Nam và Pháp cũng đã tham dự.

Khai mạc buổi tọa đàm, ông Michel Suchaut, Chủ tịch CCI tỉnh Saône-et-Loire, cho rằng cuộc tọa đàm chính là một điểm nhấn của năm 2021 đối với CCI cũng như doanh nghiệp của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến các hoạt động giao lưu thương mại trong nước và quốc tế bị đình trệ từ hơn một năm nay, đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa tỉnh Saône-et-Loire và đất nước Việt Nam.

Ông cho rằng với một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam là quốc gia tuyệt vời để thiết lập mối quan hệ giao thương. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nhiều năm trở lại đây, đất nước này đang trải qua những thay đổi về kinh tế, công nghiệp và xã hội.

Sự tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, dự kiến chiếm khoảng 50% dân số vào năm 2035, sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng trong giao thông, năng lượng, môi trường và hậu cần khiến Việt Nam trở thành một thị trường thiết yếu và là mảnh đất cơ hội cho người Pháp và các nhà xuất nhập khẩu nói chung, và cho cho người dân tỉnh Saône-et-Loire nói riêng.

Theo ông Michel Suchaut, Việt Nam có những điểm tương đồng với tỉnh Saône-et-Loire để khiến mối quan hệ này phát triển tốt đẹp.

Ông nói: “Việt Nam có vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, nơi giao thoa của các nền văn minh và quan hệ Đông-Tây, giống như ban công của Thái Bình Dương. Còn tỉnh Saône-et-Loire cũng là một ngã tư chiến lược ở trung tâm của châu Âu, với một cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và đường sông dày đặc. Cũng giống như Việt Nam, tỉnh Saône-et-Loire có nhiều con người năng động và tài năng.”

[Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU về thương mại, đầu tư và nông nghiệp]

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ sự vui mừng được tham gia sự kiện quan trọng này. Đại sứ cho rằng sự hiện diện của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Saône-et-Loire là một minh chứng lớn cho sự mong muốn hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang từng bước mở cửa trở lại, tiến trình phục hồi nền kinh tế của Pháp vô cùng mạnh mẽ và ấn tượng.

Sau khi nêu khái quát về tình hình kinh tế-xã hội tại Việt Nam cũng như những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và triển vọng cơ cho hội đầu tư nước ngoài và giao thương quốc tế ở Việt Nam, Đại sứ cho rằng “EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 và dự kiến Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi chính thức được phê duyệt sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư lâu dài, ổn định ; đảm bảo việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó Pháp là đối tác quan trọng. Từ đó khơi dậy tiềm năng, tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.”

Tọa đàm tại Pháp về triển vọng thương mại tự do Việt Nam-EU ảnh 2Quang cảnh cuộc tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, ngày 16/9 tại thành phố Macon (Pháp). (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Sau khi đưa ra những hướng phát triển và những cơ hội gợi mở cho mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các doanh nghiệp trong tỉnh, Đại sứ cam kết “cố gắng phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, đồng hành với các doanh nghiệp trong tỉnh, cùng hợp tác phát triển bền vững, hướng đến sự thành công và hiệu quả của hai bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.”

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, đại diện thương mại và kế hoạch đầu tư Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan xuất nhập khẩu và hải quan Pháp đã giới thiệu cụ thể về môi trường đầu tư và phát triển thương mại ở Việt Nam, tiềm năng cũng như cơ hội mà EVFTA mang lại cho các công ty Pháp, cũng như những qui định, lưu ý mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi xúc tiến thương mại và đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt Nam, Thibaut Giroux đã chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam cần và cũng là thế mạnh của Pháp, trong đó có tỉnh Saône-et-Loire, như lương thực thực phẩm, rượu vang, các sản phẩm công nghiệp, máy móc, y tế, công nghệ, năng lượng, ngân hàng...

Ông Thibaut Giroux khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, việc phát triển mối quan hệ đầu tư thương mại với Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc mở rộng mối giao thương với thị trường Đông Nam Á, một thị trường năng động chiếm 10% dân số thế giới.

Với vai trò tư vấn và kết nối các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam, ông cam kết sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ các doanh nghiệp của tỉnh muốn xúc tiến đầu tư và thương mại ở thị trường này và kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh "quyết tâm và mạnh mẽ để đến được những bến bờ mới mẻ và thành công.”

Trong buổi gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp đã trao đổi và chia sẻ những mối quan tâm của họ với môi trường đầu tư và thương mại ở Việt Nam.

Chị Jacqueline Nguyen, một chủ doanh nghiệp Pháp đã có nhiều năm hợp tác với Vingroup trong việc cung cấp thiết bị van bơm nước cho các tòa nhà xây dựng, cho rằng diễn đàn này sẽ mang lại cho doanh nghiệp của chị và các doanh nghiệp trong tỉnh nhiều cơ hội mở rộng giao thương với các đối tác khác ở cả Việt Nam và Pháp.

Pháp hiện là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU với hơn 3,6 tỷ USD tổng vốn đăng ký, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xử lý chất thải và bất động sản.

Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Pháp trong năm 2020 đạt gần 5,38 tỷ euro, trở thành đối tác xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam ở EU.

Là nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực, Pháp có rất nhiều thế mạnh về các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics, là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục