Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Hàn Quốc 2022”

Chiều 17/11 tại thủ đô Seoul, UBND Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) đã tổ chức buổi Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Hàn Quốc."
Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Hàn Quốc 2022” ảnh 1Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chiều 17/11 tại thủ đô Seoul, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) đã tổ chức buổi Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội - Hàn Quốc 2022.”

Cùng tham dự có Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch KITA Kim Hyun-chul cùng hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc đang mong muốn đầu tư vào thành phố Hà Nội. 

Trong bài phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh: “Năm 2022 kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc là cơ hội tốt để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến, hợp tác giữa hai bên.

Thông qua buổi Tọa đàm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội-Hàn Quốc lần này, thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp.”

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, bằng những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng tiếp tục khẳng định là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn đi đầu trong công tác khôi phục kinh tế sau đại dịch, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Phát biểu chúc mừng tại buổi tọa đàm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh, Hà Nội vừa là thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế đồng thời là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới và Hàn Quốc, đã đóng góp gần 10% giá trị kim ngạch thương mại cũng như kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn quốc, chiếm 25% tổng số dự án và 10% tổng vốn FDI của riêng Hàn Quốc vào Việt Nam.

Với vị trí chiến lược của mình, Hà Nội cũng đang vươn lên thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, dịch vụ, sản xuất công nghệ cao khu vực ASEAN, mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp  Hàn Quốc trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)... Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cam kết luôn đồng hành, kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Các báo cáo tham luận trình bày tại buổi tọa đàm đều nhấn mạnh đến những ưu thế của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến với Hà Nội Như: Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn FDI nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng. Hà Nội là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư Hàn Quốc.

[Chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2023]

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 1,28 tỷ USD vốn FDI (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021), riêng vốn FDI từ Hàn Quốc là khoảng 116,2 triệu USD, trong đó có 110 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,7 triệu USD; 66 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 45,3 triệu USD và 106 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn góp đạt 37,2 triệu USD.

Lũy kế đến 31/10/2022, thu hút vốn FDI của Hàn Quốc vào thành phố Hà Nội đạt 7,847 tỷ USD, trong đó có 2.445 dự án cấp mới với vốn đăng ký 5,599 tỷ USD; 574 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm 1,298 tỷ USD; 1.771 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 948,8 triệu USD.

Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Hàn Quốc 2022” ảnh 2Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông (giữa) và đại diện các Sở Ban ngành của Hà Nội trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thành phố Hà Nội triển khai 8 dự án với giá trị 17,96 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại cho 7 dự án với trị giá 11,96 triệu USD) trong các lĩnh vực về xây dựng trường nghề, y tế, hỗ trợ lập quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 8 thành phố Hà Nội và hiện tất cả các dự án đã hoàn thành.

Năm 2022, thành phố Hà Nội đã phê duyệt thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Hợp tác công tư trong các dự án đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại với giá trị 315.000 USD từ Chương trình chia sẻ tri thức Hàn Quốc (KSP) giai đoạn 2021-2022.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ vốn ODA không hoàn lại cho thành phố để thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao năng lực trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị; xem xét cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án hạ tầng mà không thể thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư...

Cũng tại buổi tọa đàm, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn có cơ hội đầu tư vào Hà Nội đã đặt câu hỏi liên quan đến cơ hội đầu tư, những thuận lợi và khó khăn cũng như những định hướng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố.

Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông và đại diện các Sở ban ngành của thành phố đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp Hàn Quốc đồng thời giải thích làm rõ những thắc mắc mà các doanh nghiệp đề cập.

Theo đó, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục