Chúng tôi đến đảo Tojishima, một hòn đảo xinh đẹp của tỉnh Mie, trong một ngày giữa tháng Năm.
Tojishima chào đón chúng tôi bằng những nụ cười hồn hậu mến khách của cư dân và bầu không khí trong lành mát rượi của một ngày nắng đẹp. Đây là một trong những địa phương của Nhật Bản nổi tiếng với cộng đồng cư dân đoàn kết nhờ vào việc duy trì những phong tục độc đáo từ xa xưa.
Neyako – Thắt chặt sự kết nối cộng đồng
Tojishima là địa phương duy nhất của Nhật Bản vẫn duy trì phong tục Neyako, tạm dịch theo nghĩa tiếng Nhật là “đứa con ngủ cùng nhà.”
Trong thời kỳ Edo, phong tục Neyako rất phổ biến trên khắp nước Nhật, được xem là một nghi thức trưởng thành dành cho các bé trai. Trước hết, bố mẹ huyết thống của các bé trai có nguyện vọng cho con mình thực hiện nghi thức Neyako sẽ chọn lựa những các Neya-oya (tạm dịch là cha mẹ đỡ đầu) cho con mình.
Sau khi nhận được sự đồng ý của các Neya-oya, cha mẹ huyết thống sẽ nói với con về sự lựa chọn của mình và để con quyết định việc có muốn thực hiện nghi thức Neyako hay không. Nếu bé trai đó chấp nhận, bé sẽ bắt đầu nghi thức Neyako từ năm 15 tuổi.
Thông thường một cặp cha mẹ Neya-oya sẽ nhận đỡ đầu cho một nhóm bé trai. Nghi thức được bắt đầu bằng việc các Neyako sau khi ăn tối cùng cha mẹ đẻ, sẽ đến nhà của các Neya-oya để ngủ.
Các Neya-ko sẽ dùng bữa ăn nhẹ với Neya-oya trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau, các Neyako sẽ trở về nhà cha mẹ đẻ ăn sáng và đến trường. Nghi thức này sẽ được duy trì đến năm 26 tuổi.
Trong thời kỳ hiện đại, thay vì bắt buộc phải đến nhà Neya-oya mỗi tối, các Neyako có thể đến bất cứ lúc nào mình muốn. Trong khoảng thời gian cùng sinh sống với các Neyako, các Neya-oya sẽ dạy các Neyako những kỹ năng cần thiết của cuộc sống, cho các con những lời khuyên bổ ích.
Anh Yuya Yamashita, 26 tuổi, bày tỏ sự thích thú khi nói về thời gian anh thực hiện nghi thức Neyako. Với anh, đó là một quãng thời gian vui vẻ và hữu ích. Khi còn là thiếu niên, có những việc anh cảm thấy rất khó để giãi bày với cha mẹ đẻ và những lúc như vậy thổ lộ với các Neya-oya là điều dễ dàng hơn, các Neya-oya sẽ đưa ra những lời khuyên thiết thực.
Tâm sự về vai trò Neya-oya, anh Takaaki Hamaguchi, một người cha Neya-oya nói rằng không chỉ các Neyako mà cả người lớn cũng học hỏi được rất nhiều điều. Theo anh, việc thực hiện nghi thức này giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn tâm lý của các bé trai trong giai đoạn trưởng thành và từ đó điều chỉnh để có thể đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp nhất.
Những bé trai thực hiện nghi thức Neyako thường là con trai trưởng trong gia đình vì quan niệm của người dân nơi đây cho rằng con trai trưởng sẽ là người gánh trọng trách lớn nhất trong việc chăm lo cho gia đình trong tương lai, đặc biệt là khi mà hầu hết người dân nơi đây đều làm nghề đánh bắt cá, một công việc gần như chỉ dành cho nam giới.
Tuy nhiên, đối với người dân ở Tojishima, Neyako giờ đây không chỉ đơn thuần là một nghi thức trưởng thành mà là một phong tục đẹp giúp thắt chặt sự kết nối cộng đồng.
Trên một hòn đảo nhỏ như Tojishima với dân số 2.235 người, nghi thức Neyako đã gắn kết các gia đình bằng mối mang tính chất ràng buộc thân thiết như quan hệ trong gia đình. Đây là một trong những xuất phát điểm quan trọng nhất để xây dựng một cộng đồng dân cư đoàn kết, hòa hợp tại Tojishima.
Thế giới của những phong tục cổ xưa Nhật Bản
Cùng với phong tục Neyako, người dân Tojishima còn nổi tiếng với việc duy trì được những phong tục từ xa xưa.
Dạo quanh các con ngõ nhỏ của Tojishima, đâu đâu bạn cũng sẽ bắt gặp ký hiệu Maruhachi, chữ Bát (số 8) trong vòng tròn, biểu tượng của đền thờ Hachiman.
Trên tường, cánh cửa của mỗi một ngôi nhà hay trên mạn thuyền của ngư dân ở Tojishima đều được vẽ ký hiệu này. Theo truyền thống, trong dịp lễ hội tháng Giêng hàng năm (theo âm lịch) tại đền Hachiman, người dân sẽ xin mực tại lễ hội để về tự viết biểu tượng Maruhachi tại nhà mình với cầu mong sẽ có một mùa đánh bắt hải sản bội thu và bình yên cho cả gia đình trong năm.
Một sự khác biệt nữa của người dân trên đảo Tojishima là Shimenawa, một đồ trang trí truyền thống thường được treo trước cửa vào dịp Năm mới. Tại Tojishima, Shimenawa được treo quanh năm với ý nghĩa các vị thần luôn luôn được chào đón và chỉ được thay thế vào cuối năm.
Các vật liệu làm nên Shimenawa đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Các sợi rơm trên Shimenawa thể hiện sự biết ơn của con người đối với hạt gạo, cầu nguyện mùa màng bội thu và cũng là những sợi gai để ngăn chặn các linh hồn xấu vào nhà.
Tại Tojishima, các dòng chữ viết trên bảng gỗ của Shimenawa sẽ do các bậc cao tuổi trong làng chấp bút.
Có thể nói, tại Tojishima, chính những phong tục truyền thống đã trở thành sợi dây bền vững kết nối toàn bộ cộng đông.Với ý thức phát huy những truyền thống tốt đẹp và gìn giữ những món quà quý giá của thiên nhiên, người dân nơi đây đã xây dựng Tojishima thành một trong những địa phương điển hình của Nhật Bản.
Chủ nhiệm chi nhánh Toshi Branch của Hợp tác xã Ngư nghiệp Toba Isoba, ông Kohei Nakamura đã nói với tôi rằng tất cả những nỗ lực của người dân Tojishima không chỉ để dành cho các thế hệ tương lai của vùng đất này mà cho tất cả mọi người dân Nhật Bản./.