Tôm hùm sẽ là sản phẩm trọng điểm của các tỉnh miền Trung

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm, theo đó đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1 triệu m3 thể tích lồng nuôi tôm hùm nuôi bằng lồng.
Tôm hùm sẽ là sản phẩm trọng điểm của các tỉnh miền Trung ảnh 1Nuôi tôm hùm bằng lồng tại Phú Yên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa ngành nuôi tôm hùm trở thành ngành kinh tế trọng điểm của các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1 triệu m3 thể tích lồng nuôi tôm hùm nuôi bằng lồng, bè trong vịnh kín và biển hở ven bờ, sản lượng ước tính đạt 1.940 tấn/năm, với giá trị hàng hóa tôm hùm ước tính khoảng 3.200 tỷ đồng/năm.

Định hướng đến năm 2030, cả nước có khoảng hơn 1,41 triệu m3 thể tích lồng nuôi tôm hùm nuôi bằng lồng, bè trong vịnh kín và biển hở ven bờ, sản lượng đạt 2.200 tấn/năm. Nuôi trên bờ với khoảng 160ha và sản lượng đạt 480 tấn/năm. Giá trị hàng hóa đạt 4.300 tỷ đồng/năm và sản xuất được 1 triệu con giống nhân tạo đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm.

Đối tượng nuôi bao gồm 4 loài tôm hùm tại miền Trung trong đó có hai đối tượng chủ lực là tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh (P. hormarus). Các đối tượng nuôi khác là tôm hùm đỏ (P. longipes) và tôm hùm tre (P.polyphagus).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm sẽ áp dụng theo hướng từng bước hiện đại hóa bằng công nghệ nuôi mới và thân thiện với môi trường. Sản phẩm tôm hùm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng đồng thời phát triển tôm hùm thành ngành kinh tế trọng điểm của các tỉnh miền Trung.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, các địa phương nuôi tôm hùm phát triển theo hướng phát triển bền vững nuôi tôm hùm bằng lồng, bè trong vũng, vịnh và biển ven bờ. Các cơ sở nuôi tôm hùm phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản và từng bước được cơ quan quản lý địa phương cấp mã số nhận diện giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tôm hùm. Hoạt động nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi được tập trung quản lý dựa vào cộng đồng và có sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương.

Giai đoạn 2020-2030, tiếp tục bền vững nuôi tôm hùm bằng lồng, bè trong vũng, vịnh và biển ven bờ trong đó áp dụng công nghệ nuôi mới. Phát triển bền vững nuôi tôm hùm trong hệ thống tuần hoàn nước trên bờ bằng thức ăn công nghiệp theo mô hình doanh nghiệp trên cơ sở chủ động về con giống, thức ăn; quản lý hiệu quả môi trường hệ thống nuôi. Sản phẩm tôm hùm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục