Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên

Việc thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng dự bị động viên ngày càng chặt chẽ, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong các tầng lớp xã hội; là tiền đề xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu.
Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ảnh 1Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996-2016).

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên.

Thực hiện Pháp lệnh, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên phù hợp tình hình thực tế ở từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việc thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng dự bị động viên ngày càng chặt chẽ, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong các tầng lớp xã hội; là tiền đề xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; thực hiện đường lối chiến lược của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh có hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên. Cụ thể như, Pháp lệnh chưa có quy định huy động lực lượng dự bị động viên tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra; dịch bệnh nguy hiểm và các nhiệm vụ khác. Các quy định về chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội; chưa đồng bộ với các luật khác… Do đó, việc triển khai xây dựng Luật lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả liên quan đến lực lượng dự bị động viên.

Chủ trì hội nghị, Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quân đội và nhân dân đã tổ chức triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, vướng mắc.

Trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng; cụ thể hóa những chế định mới của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để đề xuất xây dựng dự án Luật lực lượng dự bị động viên vào thời gian tới .

Trung tướng Phan Văn Giang đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tham mưu giúp Bộ Quốc phòng triển khai Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc và quốc phòng-an ninh đã nêu trong các nghị quyết của Đảng.

Các địa phương cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; phát huy sức mạnh của toàn Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng lực lượng dự bị động viên gắn với xây dựng hệ thống phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục