Tổng thống Ai Cập bổ nhiệm giám đốc mới của Cơ quan Tình báo Quốc gia

Sự thay đổi nhân sự tại Cơ quan Tình báo Quốc gia Ai Cập diễn ra trong bối cảnh Cairo đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh do xung đột khu vực có nguy cơ lan rộng.

Người đứng đầu cơ quan tình báo của Ai Cập, ông Hassan Mahmoud Rashad (trái) tuyên thệ trước Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải), tại Cairo vào ngày 16/10. (Nguồn: Phủ Tổng thống Ai Cập)
Người đứng đầu cơ quan tình báo của Ai Cập, ông Hassan Mahmoud Rashad (trái) tuyên thệ trước Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải), tại Cairo vào ngày 16/10. (Nguồn: Phủ Tổng thống Ai Cập)

Ngày 16/10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã bổ nhiệm ông Hassan Mahmoud Rashad làm người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia (GIS) của nước này.

Tổng thống El-Sisi cũng đồng thời chỉ định cựu giám đốc GIS Abbas Kamel làm cố vấn và đặc phái viên Tổng thống kiêm điều phối chung các vấn đề về an ninh.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, giám đốc tình báo mới Rashad đã tham dự một cuộc họp với Tổng thống El-Sisi và ông Kamel.

Ông Rashad từng là cấp phó của ông Kamel. Ông tốt nghiệp trường Kỹ thuật Quân sự Ai Cập và có nhiều năm gắn bó với GIS. Ông Kamel được bổ nhiệm làm giám đốc GIS từ năm 2018.

Sự thay đổi nhân sự quan trọng tại GIS diễn ra trong bối cảnh Cairo đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh do xung đột khu vực có nguy cơ lan rộng, sau các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza và Liban.

Trong hơn một năm, Ai Cập cùng với các nhà hòa giải khác là Qatar và Mỹ đã không thành công trong mục tiêu đạt thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza, trong khi chiến sự kể từ đó đã lan sang Liban.

Ở biên giới phía Nam của Ai Cập, cuộc xung đột kéo dài 18 tháng giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ (RSF) bán quân sự vẫn tiếp diễn đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và gây ra cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất thế giới, đẩy hơn 400.000 người tị nạn vào Ai Cập.

Xa hơn về phía Nam ở vùng Sừng châu Phi, Ai Cập cũng đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh với Ethiopia với nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc chia sẻ nguồn nước sông Nile.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc cạnh tranh này đang định hình lại đáng kể các liên minh khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục