Tổng thống Ai Cập đã bác tối hậu thư của quân đội

Tổng thống Ai Cập Morsi đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội yêu cầu ông phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị.
Theo hãng tin AFP, ngày 2/7, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ra tuyên bố bác bỏ tối hậu thư của quân đội yêu cầu ông phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, đồng thời khẳng định sẽ theo đuổi kế hoạch riêng của mình nhằm thúc đẩy hòa giải dân tộc.

Trong tuyên bố, ông Morsi cho rằng tối hậu thư của quân đội Ai Cập có thể gây ra tình trạng hỗn loạn và làm phức tạp thêm tình hình hiện nay, đồng thời cam kết tiếp tục theo đuổi tiến trình hòa giải dân tộc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này. Phía Văn phòng tổng thống cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch hòa giải dân tộc, "bất chấp mọi tuyên bố gây chia rẽ sâu sắc trong dân chúng và xói mòn trật tự xã hội."

Trước đó, ngày 1/7, quân đội Ai Cập đã ra tối hậu thư đối với Tổng thống Morsi và các chính đảng trong vòng 48 giờ phải "đáp ứng các yêu cầu của nhân dân". Quân đội cũng khẳng định sẽ công bố lộ trình tương lai và các biện pháp nhằm giám sát việc thực hiện lộ trình này trong trường hợp các yêu cầu trên không được đáp ứng.

Tuy nhiên, Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính tại Ai Cập, ngày 2/7 khẳng định không ủng hộ một cuộc "đảo chính quân sự" và cho rằng tối hậu thư của quân đội không có nghĩa quân đội sẽ nắm vai trò chính trị.

Trong một tuyên bố, NSF nêu rõ "Chúng tôi không ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự và như NSF đã cam kết từ khi thành lập ngày 22/11/2012 về xây dựng một nhà nước dân sự, hiện đại và dân chủ, cho phép sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị. NSF tin tưởng rằng tuyên bố của quân đội, phản ánh trong tối hậu thư ngày 1/7 rằng quân đội không muốn tham gia vào chính trị hay đóng một vai trò chính trị."

Cùng ngày 2/7, một tòa án phúc thẩm của nước này đã ra quyết định phục chức cho cựu Tổng công tố Abdel-Maguid Mahmoud, người bị sa thải hồi tháng 11 năm ngoái và từng làm dấy lên hàng loạt tranh cãi giữa Tổng thống Mohamed Morsi và giới tư pháp Ai Cập.

Tổng thống Morsi đã sa thải ông Maguid Mahmoud, khi đó giữ chức Tổng công tố Ai Cập, trong một tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi ngày 22/11 năm ngoái. Tuyên bố hiến pháp mới quy định Tổng thống Morsi có quyền chỉ định người nắm giữ chức vụ Tổng công tố theo nhiệm kỳ 4 năm, và bổ nhiệm ông Talaat Ibrahim Abdallah thay thế ông Maguid Mahmoud. Tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi khi đó đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Các cuộc xung đột giữa những người phản đối và ủng hộ ông Morsi đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Quyết định của tòa án nói trên được xem là một động thái tiếp tục cô lập Tổng thống Morsi, hiện đang phải đối mặt với sức ép lớn khi hàng triệu người Ai Cập đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình từ ngày 30/6 vừa qua nhằm yêu cầu ông từ chức.

[Quân đội Ai Cập đã ra tối hậu thư cho chính phủ]


Không chỉ bị sức ép từ các phe phái đối lập, Tổng thống Mohamed Morsi hiện phải đối mặt với việc hàng loạt quan chức cấp cao trong chính phủ xin từ chức.

Theo hãng tin MENA của Ai Cập ngày 2/7, Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amr đã đệ đơn từ chức, một ngày sau khi 5 bộ trưởng trong Chính phủ Ai Cập tuyên bố từ nhiệm. Người phát ngôn của tổng thống và nội các Ai Cập Ehab Fahmy cũng tuyên bố từ chức.

Quyết định từ chức của các bộ trưởng thuộc nội các Ai Cập diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối ông Morsi diễn ra tại nhiều tỉnh thành của quốc gia Bắc Phi này. Theo số liệu thống kê, trong gần một tuần qua, ít nhất 24 người đã thiệt mạng và khoảng 1.200 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa các phe phái.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Morsi, đồng thời cảnh báo rằng tiếng nói của nhân dân Ai Cập phải được đáp ứng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang leo thang như hiện nay. Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Ôbama khẳng địnhWashington ủng hộ "tiến trình dân chủ tại Ai Cập và không ủng hộ bất cứ nhóm hay đảng phái nào."

Cùng ngày, Iran kêu gọi quân đội Ai Cập ủng hộ tiến trình hòa giải dân tộc và tôn trọng "lá phiếu của người dân", sau khi lực lượng này cảnh báo sẵn sàng can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ai Cập. Trả lời hãng thông tấn chính thức IRNA, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian nói: "Ông Mohamed Morsi là đương kim tổng thống do dân bầu. Hy vọng các lực lượng vũ trang Ai Cập thể hiện vai trò của họ trong việc ủng hộ tiến trình hòa giải dân tộc và tôn trọng lá phiếu của người dân."

Trong khi đó, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi Chính phủ của Tổng thống Morsi lắng nghe nguyện vọng của người dân và tham gia "một cuộc đối thoại dân tộc nghiêm túc" để tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng chính trị đang phủ bóng đen tại Ai Cập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục