Sau khi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov bị sát hại tại buổi triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/12, lãnh đạo và quan chức nhiều nước trên thế giới đã có những phát biểu lên án vụ tấn công này.
Bộ Ngoại giao Liên bang Nga tuyên bố đây là "hành động khủng bố", đồng thời khẳng định vụ việc sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và "những kẻ khủng bố sẽ bị trừng phạt thích đáng."
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhận định vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là hành động khiêu khích nhằm phá hoại nỗ bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Ankara, cũng như phá hoại tiến trình hòa bình tại Syria vốn đang được tích cực thúc đẩy bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia khác.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí với quan điểm trên.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ngày cũng đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công, trong khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông rất sốc khi được thông báo về "hành động khủng bố điên rồ" này và nhấn mạnh rằng "không thể chấp nhận bất kỳ sự biện minh nào cho hành vi tấn công nhằm vào dân thường và nhân viên ngoại giao."
Hội đồng Bảo an cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Đại sứ Karlov và Chính phủ Liên bang Nga, đồng thời cho biết trong phiên làm việc ngày 20/12, Hội đồng cũng sẽ dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ nhà ngoại giao Nga. Ông Ban Ki-moon cho biết hiện đang theo dõi sát sao tình hình.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng lên án vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ và gọi thủ phạm là "kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan." Trong một tuyên bố chính thức, ông Trump đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và người thân của Đại sứ Karlov, nhấn mạnh việc sát hại một đại sứ là sự vi phạm tất cả các quy tắc của luật lệ văn minh, phải bị thế giới cực lực lên án.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault mạnh mẽ lên án vụ sát hại, gọi đây là "hành động hèn hạ" nhằm vào nhà ngoại giao Nga. Phát biểu trong chuyến thăm tới thủ đô Bogota của Colombia, ông Ayrault đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hợp tác linh hoạt để có thể chống khủng bố dưới tất cả các hình thức tinh vi của nó, song song với cơ chế đàm phán để tạo ra những điều kiện đảm bảo hòa bình lâu dài.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp bày tỏ sự đoàn kết của nước này với Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hiện được coi là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.
Cùng thời điểm này, Ngoại trưởng Colombia Maria Angela Holguin cũng lên án hành vi khủng bố tại Ankara, đồng thời cảnh báo "thế giới đang tiến tới một thời điểm, trong đó không có nơi nào là an toàn."
Đại sứ Andrei Karlov đã tử vong sau vụ tấn công xảy ra tại triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ông Karlov, còn có ba người khác bị thương trong vụ tấn công này.
Thủ phạm được xác định là Mevlut Mert Aydintas, 22 tuổi, từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara, song mới đây đã bị sa thải với cáo buộc dính líu tới tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi tiến hành vụ tấn công, thủ phạm này đã hô to khẩu hiệu với nội dung "Chúa vĩ đại" và "Không quên Aleppo" - ngụ ý thành phố Aleppo ở Syria, nơi Nga đang có chiến dịch hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi khủng bố./.