Đe dọa quân sự Iran chỉ là "ảo tưởng"

Tổng thống Iran: Đe dọa quân sự Iran chỉ là "ảo tưởng"

Tổng thống Iran kêu gọi các cường quốc tiến hành đàm phán "công bằng và xây dựng" về hạt nhân, và cho rằng phương Tây không nên "ảo tưởng" về việc có thể áp đặt giải pháp quân sự đối với Tehran.
Tổng thống Iran: Đe dọa quân sự Iran chỉ là "ảo tưởng" ảnh 1 Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AFP)

Ngày 11/2, Tổng thống Iran Hassan Rouhani  kêu gọi các cường quốc tiến hành các cuộc đàm phán "công bằng và xây dựng" về chương trình hạt nhân đồng thời cho rằng phương Tây không nên "ảo tưởng" về việc có thể áp đặt giải pháp quân sự đối với Tehran.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm nhân ngày Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 và được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Rouhani cam kết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán công bằng và xây dựng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đồng thời bày tỏ hy vọng cũng sẽ nhận được thái độ hưởng ứng tương tự từ các cường quốc phương Tây trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Theo nhà lãnh đạo Iran, các nước phương Tây nên thay đổi cách thức đàm phán với Tehran, vì rằng mọi lời lẽ đe dọa sẽ chỉ càng khiến người Iran có thêm động lực đoàn kết chống lại phương Tây.

Ông cũng bác bỏ mọi sức ép trừng phạt từ phương Tây khi cho rằng các cường quốc sẽ không thể tiếp tục sử dụng phương cách này để làm khó Tehran, một quốc gia đã có 35 năm kinh nghiệm đối phó với các lệnh trừng phạt từ bên ngoài.

Những tuyên bố của ông Rouhani đã nhận được các tràng vỗ tay tán thưởng của hàng nghìn người dân đang tập trung tại quảng trường Azadi ở thủ đô Tehran trong lễ kỷ niệm 35 năm cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.

Trước đó, một ngày, Tổng thống Rouhani cũng khẳng định Iran đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nhằm tiến tới một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân trên tinh thần của thỏa thuận sơ bộ đạt được tháng 11 năm ngoái ở Geneva, Thụy Sĩ.

Theo thỏa thuận sơ bộ, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân trong 6 tháng để đổi lấy việc được phương Tây nới lỏng một số biện pháp trừng phạt. Thỏa thuận cũng mở đường cho việc tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cuối cùng để làm giảm bớt những lo ngại của phương Tây về mục đích phát triển hạt nhân của Iran.

Trong một động thái khác, cùng ngày 10/2, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu người đại diện cho các quyền lợi của Mỹ ở Iran, Đại sứ Thụy Sĩ tại nước này, để phản đối về những biện pháp mới được Washington áp dụng cho các cá nhân và công ty bị Mỹ cho là đã vi phạm lệnh trừng phạt đối với Tehran. Bộ Tài chính Mỹ cho biết đây là những đối tượng "hậu thuẫn chương trình hạt nhân Iran và hỗ trợ tích cực chủ nghĩa khủng bố."

Những cá nhân và công ty bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" lần này đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Đức, Gruzia, Afghanistan, Iran, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Liechtenstein. Giải thích về quyết định trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Cohen cho biết Mỹ đang thực hiện cam kết nới lỏng trừng phạt Iran phù hợp với thỏa thuận Geneva, nhưng "phần lớn các trừng phạt hiện nay vẫn còn hiệu lực"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục