Tổng thống Pháp kêu gọi G8 chuyển hướng kinh tế

Tổng thống Pháp Hollande đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ và lãnh đạo G8 thay đổi chính sách tăng trưởng kinh tế của châu Âu
Khủng hoảng nợ Khu vực đồng euro (Eurozone) và khả năng Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung đã trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) diễn ra tại Mỹ trong hai ngày 18 và 19/5.

Tại Hội nghị, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo G8 về chính sách tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Tình trạng nguy ngập của Hy Lạp cộng với nạn thất nghiệp lên đến 24,4 % tại Tây Ban Nha và hơn 14% tại Bồ Đào Nha là những luận điểm ông đưa ra để thuyết phục G8 thay đổi chính sách kinh tế vốn đang theo hướng thắt lưng buộc bụng.

Các nhà phân tích cho rằng Hội nghị G8 là cơ hội để Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Italy Mario Monti kêu gọi các nhà lãnh đạo của khối chuyển hướng chính sách kinh tế, theo đó ưu tiên cho tăng trưởng, hơn là thắt lưng buộc bụng theo quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trước đó, theo các nguồn tin từ Oasinhtơn, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ủng hộ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu của ông Hollande. Trong cuộc gặp lần đầu tiên với tân Tổng thống Pháp ở Nhà Trắng trước Hội nghị, ông Obama khẳng định những diễn biến hiện nay ở châu Âu đặc biệt quan trọng với Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Eurozone xấu đi có thể sẽ phủ bóng đen lên những thành quả ít ỏi mà Mỹ vừa đạt được sau hơn 3 năm khủng hoảng.

Hiện "ông chủ" Nhà Trắng đang theo dõi từng biến động tại châu Âu, e ngại một "ngọn gió" bất lợi cho tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng là bất lợi cho cơ hội tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi lãnh đạo các nước thành G8 thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ Eurozone tại hội nghị ở Mỹ, từ châu Âu, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht, trong bài trả lời phỏng vấn tại Brussels (Bỉ) ngày 18/5 tiết lộ Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thảo luận về một tình huống khẩn cấp, trong đó Hy Lạp buộc phải rút khỏi Eurozone. Đây là lần đầu tiên một quan chức EU xác nhận khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã đề cập tới việc Athens tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về sự tồn tại của quốc gia thành viên này trong Eurozone song song với cuộc tổng tuyển cử lại dự kiến diễn ra vào ngày 17/6. Mặc dù vậy, bà Merkel bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh EU sẵn sàng xem xét các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm tại châu Âu.

Cũng liên quan đến tình hình Hy Lạp, tờ "Le Figaro" của Pháp ngày 18/5 cho biết người dân "Xứ sở của các vị thần" đang đổ xô đến các ngân hàng rút tiền mặt. Trong tuần qua, hơn 1 tỷ ơrô (khoảng 700-800 triệu euro/ngày) đã bị người dân Hy Lạp rút khỏi hệ thống ngân hàng, động thái có thể khiến hệ thống tài chính nước này sụp đổ.

Trước khi nhận được gói cứu trợ đầu tiên của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tháng 4/2010, người dân Hy Lạp từng đổ xô đi rút tiền, chỉ trong vòng vài ngày, lượng tiền rút ra lên tới hơn 8 tỷ euro.

Một tín hiệu xấu khác có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại Hy Lạp, ngày 16/5, ECB tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động tái cấp vốn cho một số ngân hàng Hy Lạp, do các ngân hàng này đã không tái đầu tư một cách đúng đắn. Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, còn đề cập việc để cho Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, ECB không thể bỏ rơi Hy Lạp, bởi lẽ nếu quốc gia này rời khỏi Eurozone, thì tất cả ngân hàng trung ương các nước thành viên sẽ phải trả giá đắt và cả Eurozone chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục