Tổng thống Pháp trưng cầu ý dân đưa cam kết về khí hậu vào Hiến pháp

Phát biểu trước các thành viên thuộc Hội đồng công dân về khí hậu, Tổng thống Macron cho biết cuộc trưng cầu ý dân sẽ đề xuất bổ sung một điều khoản về đa dạng sinh học, môi trường.
Tổng thống Pháp trưng cầu ý dân đưa cam kết về khí hậu vào Hiến pháp ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân nhằm bổ sung cam kết đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vào Hiến pháp.

Phát biểu trước các thành viên thuộc Hội đồng công dân về khí hậu, Tổng thống Macron cho biết cuộc trưng cầu ý dân sẽ đề xuất bổ sung một điều khoản về đa dạng sinh học, môi trường và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong Mục 1 của Hiến pháp. Việc tổ chức trưng cầu ý dân cần phải nhận được sự chấp thuận của hai viện thuộc Quốc hội Pháp.

Hội đồng công dân về khí hậu bao gồm 150 thành viên được lựa chọn ngẫu nhiên từ công chúng, có nhiệm vụ "hiến kế" cho chính phủ trong vấn đề cắt giảm khí thải. Hội đồng này đã đưa ra một loạt đề xuất thiết thực, từ việc giảm giới hạn tốc độ ô tô cho đến cải thiện khả năng cách nhiệm cho nhà ở, song việc bổ sung cam kết bảo vệ khí hậu và coi phá hoại thiên nhiên là tội ác vào Hiến pháp luôn nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách các kiến nghị.

Hồi tháng 6, Tổng thống Macron cho biết ông đã chấp thuận 146 trong số 149 ý kiến đề xuất của hội đồng này. Đây được xem là căn cứ đề xây dựng một đạo luật mới.

Giới quan sát nhận định mặc dù có thể dễ dàng được thông qua tại Hạ viện, nơi đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Macron chiếm đa số, song đề xuất trưng cầu ý dân này sẽ khó "vượt ải" Thượng viện.

Cuộc trưng cầu ý dân gần đây nhất tại Pháp diễn ra hồi năm 2005 để lấy ý kiến đối với đề xuất xây dựng Hiến pháp Liên minh châu Âu, song đề xuất này đã bị bác bỏ.

[Tổng thống Pháp kêu gọi cải tổ các cơ chế đa phương]

Trong thời gian gần đây, Tổng thống Macron bị cáo buộc không quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường. Tháng trước, Tòa án hành chính tối cao Pháp (TAC) lưu ý rằng Pháp đã cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990, song đã bỏ lỡ các mục tiêu đề ra trong những năm gần đây.

TAC cũng cho biết vào tháng 4, chính quyền của ông Macron đã ban hành  sắc lệnh nhằm khắc phục các hậu quả kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó gây cản trở các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon sau năm 2020.

Cũng liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier nhận định Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước cơ hội thúc đẩy các chính sách khí hậu tham vọng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới công bố mục tiêu cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), ông Altmaier đã đề cập đến việc Trung Quốc hồi tháng 10 đã đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm khí thải và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Ông cũng lưu ý Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, một mục tiêu mà EU cũng đang hướng đến.

Bộ trưởng Altmaier nhấn mạnh EU cần tận dụng cơ hội để thực hiện chiến lược hydro mới của khối, đã được Hội đồng châu Âu thông qua trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Đức. Ông cũng kêu gọi hợp tác quốc tế để tạo điều kiện cho mạng lưới sản xuất và vận chuyển năng lượng tái tạo toàn cầu.

Trước đó, vào ngày 11/12, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí đặt mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, tiến tới cắt giảm 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được ký kết năm 2015, để hạn chế nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C, trong thập kỷ này thế giới cần cắt giảm lượng khí thải từ 1 đến 2 tỷ tấn mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục