Tổng thống Sri Lanka bổ nhiệm nội các sau khủng hoảng chính trị

Quyết định bổ nhiệm nội các được đưa ra sau khi Tổng thống buộc phải khôi phục chức vụ cho ông Wickremesinghe, nhằm "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Tổng thống Sri Lanka bổ nhiệm nội các sau khủng hoảng chính trị ảnh 1Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/12, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã bổ nhiệm nội các gồm 28 bộ trưởng và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống buộc phải khôi phục chức vụ cho ông Wickremesinghe, nhằm "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kéo dài hai tháng qua tại nước này làm tê liệt chính phủ.

Tuy nhiên, Tổng thống Sirisena không bổ nhiệm Bộ trưởng Luật pháp và trật tự, vị trí quan trọng trong cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng và phạm tội chống lại cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse, người từng được bổ nhiệm làm Thủ tướng thay thế ông Wickremesinghe hồi tháng 10, bất chấp sự phản đối của Quốc hội.

[Sri Lanka: Ông Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức thủ tướng]

Thủ tướng Wickremesinghe đã từng cam kết tiến hành các cuộc điều tra trên trước khi đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Ngoài ra, Tổng thống Sirisena vẫn duy trì sự kiểm soát đối với lực lượng cảnh sát, trong khi lực lượng này đang điều tra một âm mưu ám sát nhằm vào ông, vốn là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng chính trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa được tái bổ nhiệm Rajitha Senaratne cho biết Tổng thống sẽ tạm thời giữ quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát cho đến khi các cuộc điều tra về âm mưu ám sát nói trên kết thúc và những cải cách được đưa ra.

Sri Lanka bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Wickremesinghe, bổ nhiệm ông Rajapakse lên thay và đình chỉ hoạt động của Quốc hội.

Tổng thống Sirisena cũng kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào tháng 1/2019.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống Sirisena, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm.

Theo luật định, Sri Lanka sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2020, nhưng nếu chính phủ không thể vận hành, quốc hội có thể thông qua một nghị quyết kêu gọi bầu cử sớm nếu có 2/3 nghị sỹ ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục