Tổng thống Sudan dọa trục xuất các quan sát viên

Ông Beshir dọa trục xuất các quan sát viên nước ngoài do họ kêu gọi hoãn bầu cử vì lo ngại về khả năng tổ chức bầu cử của Sudan.
Tổng thống Sudan Omar al-Beshir ngày 22/3 dọa trục xuất các quan sát viên nước ngoài sau khi những người này kêu gọi hoãn cuộc bầu cử đầu tiên của nước này trong 24 năm qua vì lo ngại về khả năng tổ chức bầu cử của Sudan.

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ được truyền hình trực tiếp tại thành phố miền Tây Port Sudan, Tổng thống Beshir nói: "Khartoum chấp thuận cho các quan sát viên đến để theo dõi cuộc bầu cử có tự do và công bằng hay không, nhưng nếu họ can thiệp vào công việc nội bộ của Sudan bằng việc đề nghị hoãn bầu cử, họ sẽ bị trục xuất."

Tuyên bố của ông Beshir nhằm vào các quan sát viên của Trung tâm Carter, do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thành lập.

Trung tâm này bày tỏ lo ngại rằng việc thiếu một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn tại Darfur, Tây Sudan, cộng với việc Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) của Sudan "hạn chế về khả năng tổ chức" sẽ ảnh hưởng xấu tới bầu cử.

Chủ tịch NEC, ông Ahmed Abdallah cũng đã ngay lập tức bác bỏ đề nghị trên, đồng thời tuyên bố tiến hành cuộc bầu cử đúng như kế hoạch vào ngày 11-13/4 tới.

Ông Abdallah nhấn mạnh rằng Trung tâm Carter đã dựa trên các thông tin sai lệch và việc đưa ra lời kêu gọi như vậy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình bầu cử.

Cùng ngày, người đứng đầu Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID), ông Ibrahim Gambari đã đưa ra một nhận định hoàn toàn trái ngược với các quan sát viên của Trung tâm Carter.

Ông Gambari bày tỏ hy vọng các cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra yên bình tại Darfur bất chấp những lo ngại về tình trạng bạo lực. Ông còn nhấn mạnh rằng an ninh không phải là mối lo ngại chính, UNAMID sẽ đảm bảo an ninh cho các quan sát viên và hộ tống việc di chuyển hòm phiếu tại Darfur trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử.

Các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và hội đồng địa phương sắp tới là dấu mốc quan trọng của một thỏa thuận hòa bình ký năm 2005 nhằm chấm dứt hơn hai thập kỷ nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hai triệu người và làm rối loạn quốc gia rộng lớn nhất châu Phi này. Đây cũng là một trong những cuộc bầu cử phức tạp nhất với ít nhất sáu cuộc bỏ phiếu khác nhau cùng lúc, dựa trên ba hệ thống bầu cử.

Cuộc bầu cử này lúc đầu được lên kế hoạch trước tháng 7/2009, song đã nhiều lần bị hoãn lại.

Trong một diễn biến mới nhất tại Darfur, xung đột bạo lực giữa các bộ tộc người Arập đối địch ngày 22/3 đã làm ít nhất 25 người thiệt mạng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục