TP Hồ Chí Minh vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của UBND TP.HCM tháng 10 cho thấy thành phố đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI đến thời điểm hiện nay.
TP Hồ Chí Minh vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI ảnh 1 Người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh chọn mua sản phẩm hàng hóa tại Co.op mart Lý Thường Kiệt. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10, 10 tháng và công tác trọng tâm tháng 11 năm 2014 của Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 27/10, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 tháng còn lại của năm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không được chủ quan, tiếp tục rà soát kỹ các nguồn thu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Riêng đối với thu hút nguồn vốn FDI, các sở ngành liên quan, Ban quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố tiếp tục rà soát, tạo điều kiện thông thoáng, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, cơ sở hạ tầng tốt nhất để thu hút đầu tư, trong đó tập trung ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ kỹ thuật cao.

Theo ông Lê Hoàng Quân, tình hình kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10, 10 tháng năm 2014 tiếp tục tăng trưởng mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so cùng kỳ.

Các chỉ số quan trọng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt tới 6,8% (cùng kỳ đạt 5,9%), việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thu hút FDI... đều đạt ở mức cao. Đây là tiền đề quan trọng, làm cơ sở cho việc hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2014 cũng như năm 2015 sắp tới.

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2014 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố trong tháng 10 ước đạt 55.879 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,5%).

Tính chung 10 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 530.479 tỷ đồng, tăng 12,0% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%), chủ yếu tăng ở các nhóm hàng hóa, phương tiện đi lại và xăng dầu.

Về kim ngạch xuất nhập khẩu, tích lũy trong 10 tháng đạt 27,959 tỷ USD, tăng 8,87% so cùng kỳ. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ như: thuỷ sản tăng 16,5%; hàng rau quả tăng 46,79%; càphê tăng 41,49%; hạt tiêu tăng 47,23%; hóa chất tăng 63,36%; chất dẻo nguyên liệu tăng 16,15%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 292,91%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 72,86%; sản phẩm gốm sứ tăng 10,47%...

Kim ngạch nhập khẩu đạt 29,412 tỷ USD, giảm 3,17% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu giảm so cùng kỳ như phân bón các loại giảm 25,66%; cao su giảm 31,83%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 96,84%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 23,24%; lúa mì giảm 44,57%...

Trong tháng 10, thu hút vốn đầu tư vốn nước ngoài (FDI) là một trong những điểm nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh với mốc son là thành phố đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho “Dự án Samsung CE Complex” của Tập đoàn Điện tử Samsung với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.

Như vậy, tính đến 20/10, trên địa bàn thành phố có 332 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,7 tỷ USD (so cùng kỳ giảm 8,5% về số dự án và tăng 214,9% về vốn). Ngoài ra, có 107 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 270,1 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 2,9 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ. Về kết quả này, Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI đến thời điểm hiện nay.

Về thu chi ngân sách, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, cho biết trong 10 tháng ước thực hiện 213.059 tỷ đồng, đạt 94,15% dự toán, tăng 13,49% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,11%).

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 10 tháng ước thực hiện 35.281 tỷ đồng, đạt 84,04% dự toán, tăng 16,64% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%). Theo bà Đào Thị Hương Lan, trong 10 tháng qua, việc thu ngân sách đạt khả quan và vượt dự toán; đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư trên địa bàn thành phố, việc giải ngân vốn đầu tư phát triển cũng có kết quả tích cực.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của thành phố tiếp tục là điểm sáng trong chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mặc dù mới 10 tháng nhưng tổng số vốn hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt 37.483 tỷ đồng, vượt 7.483 tỷ đồng so kế hoạch, nếu so với mục tiêu của chương trình đề ra ban đầu 20.000 tỷ đồng, Thành phố đã vượt 17.483 tỷ đồng. Tính chung, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp bình ổn) đã đạt 46.228 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung chuẩn bị hàng hóa dồi dào, chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015.

Cùng với việc tăng cường công tác hỗ trợ, kết nối giữa các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp tỉnh, thành nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, giúp các doanh nghiệp thành phố có thể chủ động trong việc tạo nguồn hàng, thành phố khuyến khích các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại tổ chức các đợt khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường của các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp bình ổn. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tạo cung cầu giả tạo, buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục