Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án và đề xuất lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp ở những địa phương đảm bảo các điều kiện về kiểm soát dịch COVID-19.
Học sinh từ bậc mầm non đến Trung học Phổ thông có thể trở lại trường học trực tiếp trong thời gian tới. Cụ thể, với địa phương có cấp độ dịch 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình), được dạy học trực tiếp, không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường.
Để đón học sinh trở lại, cơ sở giáo dục phải đáp ứng bộ tiêu chí an toàn phòng dịch trong trường học, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học trên internet khi dịch bệnh phức tạp.
Ở địa bàn cấp độ 3 (nguy cơ cao), các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình, không có hoạt động ngoài lớp học.
Tùy điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp, trong đó ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.
Khi tổ chức học trực tiếp, các trường phải bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người. Riêng ở địa bàn xác định dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), các trường chỉ tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.
[Phú Yên đảm bảo an toàn phòng dịch mới cho học sinh đi học trở lại]
Thực tế thời gian qua, việc học trực tuyến được đánh giá không mang lại nhiều hiệu quả mà chỉ đạt mục tiêu vừa phòng dịch vừa duy trì, không làm gián đoạn việc học của học sinh.
Do đó, việc mở cửa trường học cho học sinh đi học trực tiếp khi tình hình dịch dần được kiểm soát là rất cần thiết. Tuy nhiên, cho học sinh trở lại trường vào thời điểm nào và việc chuẩn bị điều điện để đảm bảo an toàn cho học sinh là điều các bậc phụ huynh, giáo viên quan tâm.
Từ thực tiễn công tác, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức), cho rằng khi hình thức học trực tuyến không đạt hiệu quả như mong muốn, việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là điều bắt buộc và cần thiết.
Tuy nhiên, khi cho học sinh trở lại trường phải nhìn trên phương diện tổng thể, trong đó việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em cần được đặt lên hàng đầu. Dù mong muốn cho học sinh sớm trở lại trường học, nhưng theo cô Hiền cần cân nhắc kỹ về thời điểm cũng như phải chuẩn bị về mọi mặt để cả giáo viên, phụ huynh đều cảm thấy an tâm khi cho các em đến trường.
Là giáo viên, đồng thời là phụ huynh có con đang học bậc tiểu học, cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ bản thân cô vẫn cảm thấy rất lo lắng khi học sinh Tiểu học trở lại trường mà chưa được tiêm vaccine.
Trong khi đó, học sinh bậc học này chưa tự ý thức trong việc thực hiện các quy định về phòng dịch. Do đó, theo cô Hiền, với học sinh bậc Tiểu học, trước mắt nên tiếp tục duy trì việc học qua internet, chỉ khi các em được tiêm vaccine đầy đủ mới nên cho trở lại trường học.
Ở góc độ quản lý, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) cho rằng, hình thức dạy học trực tuyến hiện nay chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa duy trì việc học của học sinh.
Do đó, đề xuất sớm mở cửa trường học, trong đó ưu tiên các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và 12 là phù hợp. Với riêng học sinh bậc Trung học Phổ thông, đối tượng trong độ tuổi được tiêm vaccine, việc được đến trường trở lại là điều rất tốt.
Thực tế, qua khảo sát ý kiến phụ huynh, học sinh tại trường cho thấy, hầu hết đều mong muốn được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, điều họ quan tâm là làm sao để các em đến trường học được an toàn.
Để mở cửa trường học an toàn, theo ông Huỳnh Thanh Phú, trước hết cần rà soát kỹ lưỡng việc chuẩn bị của các cơ sở giáo dục trên cơ sở bộ tiêu chí an toàn phòng dịch trong trường học theo quy định.
Bên cạnh sự chủ động chuẩn bị của các trường, các ngành cần quan tâm đến vấn đề “phủ” 100% vaccine cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học. Ngoài ra cần hướng dẫn các trường xây dựng phương án xử lý tình huống khi có vấn đề phát sinh liên quan đến dịch trong quá trình tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi cho học sinh trở lại học trực tiếp, ngành sẽ tập huấn về công tác phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và họp phụ huynh để thống nhất các nội dung.
Trong thời gian này, các trường tiếp tục rà soát cơ sở vật chất trường học, lên kế hoạch sửa chữa sau khi hoàn thành thời gian trưng dụng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Riêng bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, ngành giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, tranh thủ "thời gian vàng" để học sinh học trực tiếp. Ban đầu, nhà trường dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, nâng dần thời gian học trực tiếp cho đến khi hoạt động giáo dục ổn định trở lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trẻ sớm đến trường học trực tiếp sẽ giúp việc chăm sóc, giáo dục trẻ thuận lợi hơn. Trẻ có điều kiện tương tác với thầy cô, bạn bè, tuy nhiên độ tuổi trẻ Mầm non khó duy trì cũng như chưa tự ý thức trong việc đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang.
Với học sinh lớp lớn hơn, việc đến trường học trực tiếp giải quyết được những khó khăn, hạn chế trong việc dạy và học trực tuyến hiện nay. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài gây tâm lý e ngại cho phụ huynh, họ chưa yên tâm để con đến trường. Dịch bệnh khiến một số giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, tinh thần, thể chất, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Để học sinh sớm trở lại trường, ổn định việc dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất thành phố có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi.
Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp cho hơn 230 học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9 và 12 tại Trường Tiểu học Thạnh An và Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Còn lại, học sinh các bậc từ Tiểu học đến Trung học phổ thông tiếp tục học trên môi trường internet. Trong đó, tỷ lệ học sinh Tiểu học tham gia học trực tuyến là 98,23%, bậc Trung học Cơ sở 97,9% và Trung học Phổ thông đạt 99,8%./.