TP.HCM đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo

Riêng trong năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 48 tổ chức tôn giáo theo ba đợt vào tháng Tám, tháng 10 và tháng 12.

Khách quốc tế tham quan khuôn viên trước Nhà thờ Đức Bà, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Khách quốc tế tham quan khuôn viên trước Nhà thờ Đức Bà, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm các chính sách tôn giáo và luôn tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tại địa bàn hoạt động trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các cơ sở tôn giáo.

Tuy nhiên, do tính đặc thù của loại đất tại các cơ sở tôn giáo, việc cấp giấy chứng nhận này vẫn còn một số vướng mắc. Vì vậy, thành phố đã nỗ lực phối hợp với các tổ chức tôn giáo, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo.

Cấp gần 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn có 32 tổ chức tôn giáo, gần 3.000 cơ sở thờ tự của Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo… đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng của người dân.

Qua thời gian, nhiều công trình của cơ sở tôn giáo có tuổi đời hàng chục năm bắt đầu xuất hiện tình trạng xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo.

Ông Trần Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ngoại vụ Giáo xứ Bình Lợi, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ nhu cầu cấp thiết hiện nay của Giáo xứ là được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện tu sửa cơ sở vật chất, chống ngập... để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo sự an toàn của giáo dân khi tham gia hoạt động tôn giáo tại đây. Mong muốn của Giáo xứ Bình Lợi cũng là mong muốn chung của nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ sở tôn giáo nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn.

Từ năm 2008 đến nay, Sở đã cấp gần 1.000 giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo, với diện tích hơn 2,5 triệu m2. Riêng trong năm 2023, Sở đã trao giấy chứng nhận cho 48 tổ chức tôn giáo theo ba đợt vào tháng Tám, tháng 10 và tháng 12.

Chia sẻ niềm vui sau khi nhận giấy chứng nhận, Thượng tọa Thích Chánh Lộc, Trụ trì Chơn Đức Thiền viện, quận Bình Thạnh cho biết hơn 10 năm nay, các công trình cổng, bảng chùa cùng khu vực phía trước khuôn viên Thiền viện đã xuống cấp nhưng chưa thể xây sửa vì thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giờ đây, mong muốn được cải tạo lại cảnh quan của Thiền viện đã thành hiện thực, khi cơ sở này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 10/2023.

Ngay sau khi có giấy chứng nhận, Thiền viện đã làm thủ tục xin giấy phép từ Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, triển khai sửa lại bảng chùa, dựng Cổng Tam Quan, lát đá sân chùa, sửa chữa tường rào...

“Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một niềm vui rất lớn của Chơn Đức Thiền viện. Sau khi có giấy chứng nhận và sự cho phép của chính quyền địa phương, Thiền viện đã tiến hành tu bổ, xây dựng thêm cơ sở vật chất với mong muốn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, đặc biệt là một cổng chùa khang trang để đón người dân, Phật tử đến thăm Thiền viện.

Dự kiến các công trình sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 để Thiền viện cùng phật tử kịp đón mừng năm mới, Tết cổ truyền của dân tộc,” Thượng tọa Thích Chánh Lộc chia sẻ.

Giải quyết nhanh cho các cơ sở tôn giáo đủ điều kiện

Theo bà Võ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Phòng Đăng ký và Cấp Giấy Chứng nhận-Văn phòng Đăng ký Đất đai Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố), dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, Sở nhận thấy còn hạn chế nhất định trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.

Từ năm 2005 đến nay, thành phố mới cấp được "sổ hồng" cho khoảng 1/3 cơ sở tôn giáo trên địa bàn, trong khi chỉ tiêu của thành phố đặt ra là 100%.

tphcm-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-ton-giao-2-7030.jpg
Bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo trong Thánh đường Nhà thờ Tân Định, phường 8, quận 3. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bà Võ Thị Kim Ngân cho biết việc còn nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do những yếu tố phức tạp đặc thù về nguồn gốc, pháp lý đất đai của các cơ sở này.

Trên thực tế, Sở đã hướng dẫn thành phần hồ sơ cho đại diện các cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, việc triển khai gặp một số vướng mắc.

Đa phần là trường hợp giấy tờ qua nhiều thời kỳ, nhiều điểm phải làm rõ để áp dụng đúng quy định của pháp luật nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kéo dài.

Trong năm 2024, Sở tăng cường hơn nữa công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo. Đồng thời, Sở mong muốn các tổ chức tôn giáo, các đơn vị có liên quan phối hợp, hỗ trợ trong việc cung cấp hồ sơ pháp lý, xem xét và có ý kiến kịp thời, giúp thực hiện tốt nhất công tác này.

Sở đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ phối hợp cùng Sở; chủ động kê khai, đăng ký đất đai để được công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức lập danh sách các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chưa được cấp giấy chứng nhận; hướng dẫn tổ chức tôn giáo kê khai, đăng ký đất đai để được công nhận và cấp giấy chứng nhận.

Sở phối hợp với Ủy ban Nhân dân các phường, xã rà soát hiện trạng sử dụng đất, báo cáo nguồn gốc đất, việc quản lý sử dụng đất…

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ nỗ lực xem xét nhanh nhất có thể những hồ sơ cơ sở tôn giáo đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố sớm ra quyết định, tổ chức các buổi trao giấy chứng nhận cho các cơ sở.

Với hồ sơ mới, Sở phân công công chức chuyên trách, nhằm tạo đầu mối hướng dẫn cụ thể các quy định cho đại diện cơ sở tôn giáo; trường hợp phát sinh khó khăn sẽ chủ động mời làm việc trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục