TP.HCM: Mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường gây ngập

Một trận mưa lớn trên địa bàn TP.HCM kết hợp với triều cường làm cho nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước và gây kẹt xe cục bộ.
TP.HCM: Mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường gây ngập ảnh 1Triều cường tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Chiều 5/11, một trận mưa lớn kéo dài gần 1 giờ tại nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với triều cường lên cao trên mức báo động III, đạt 1,56 mét đã làm cho nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước và gây kẹt xe cục bộ.

Tại nhiều tuyến đường ở các quận trũng thấp, nằm gần hệ thống kênh rạch như quận 6, quận 8, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức đã ngập sâu trong nước.

Một số tuyến đường ngập sâu từ 30-50 cm như An Dương Vương (Bình Tân); Bến Phú Đinh, Phạm Thế Hiển, Mễ Cốc (quận 8); Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Văn Luông (quận 6); Trần Hưng Đạo (quận 5); Hòa Bình, Bầu Cát, Tân Hóa (Bình Tân)...

Đặc biệt, một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố như Kỳ Đồng (quận 3); Phan Xích Long, Cù Lao (quận Phú Nhuận) cũng bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân sinh sống quanh khu vực này.

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường bị ngập nước do mực nước đỉnh triều lên cao kết hợp mưa lớn nên hệ thống thoát nước quá tải.

Do mưa lớn, đường ngập đúng vào giờ tan tầm, cao điểm đi lại của người dân nên nhiều tuyến đường cửa ngõ, hướng ra khỏi trung tâm thành phố như Cộng Hòa, Trường Chinh, Đường 3/2, Hồng Bàng, Quốc lộ 13, Phạm Hùng... đã xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ, các phương tiện di chuyển rất khó khăn.

Liên quan đến công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 13 trên Biển Đông có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố.

Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và tổ chức di dời dân đến khu vực an toàn khi có lệnh của thành phố. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, sông rạch khi cần thiết./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục