Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn cho nhiều ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam nhưng sẽ đặt ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vào thách thức lớn.
Trên đây là nhận định của ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại buổi hội thảo “Triển vọng kinh tế 2014 và triển vọng kinh doanh ngành đồ gỗ,” do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Phạm Minh Đức, có hai nguyên nhân chính lý giải cho nhận định trên. Đó là, trong Hiệp định TPP có quy định về hàm lượng giá trị khu vực. Cụ thể là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên; doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Điều này trở thành rào cản lớn do cơ cấu thành phần của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của TPP.
Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia WB, trên 80% gỗ súc dùng để sản xuất sản phẩm gỗ ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Tính trung bình, Việt Nam nhập khẩu gần 3,5 triệu m3 gỗ/năm và trong đó, nhập khẩu gỗ xẻ phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ chiếm 65%.
Nguyên nhân thứ hai nằm ở trình độ lao động. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam theo tiêu chuẩn của TPP cần đòi hỏi một đội ngũ lao động tay nghề cao.
Tuy nhiên, việc phát triển kỹ năng người lao động tại Việt Nam vì nhiều lý do còn khá hạn chế. Năng suất lao động trung bình của một nhân công Việt Nam là 1,9 sản phẩm ghế/ngày, ít hơn nhiều so với năng suất 4,5 sản phẩm ghế/ngày của nhân công làm việc tại Trung Quốc.
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai nhưng theo ông Phạm Minh Đức, triển vọng phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn rất sáng sủa và Chính phủ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành này.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, đề xuất Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để làm căn cứ cho các doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị; đầu tư trồng cây gỗ lớn với thời gian vay và trả nợ phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây; có biện pháp để giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất nhập khẩu.
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ là một trong những ngành đóng góp lớn cho GDP cả nước. Theo Bộ Công Thương, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt mức 5,7 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ dự kiến đạt 6,5 tỷ USD./.